Không đạt sức khỏe nhưng nhận giấy báo đi nghĩa vụ quân sự, phải làm sao?

22/02/2024 18:30 GMT+7

Tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM định kỳ ngày 22.2, báo chí đặt câu hỏi: Nếu người không đạt sức khỏe nhưng địa phương gửi thông báo 'Đã đủ điều kiện nhập ngũ' và 'Lệnh gọi công dân nhập ngũ' thì có đúng quy định của pháp luật về đi nghĩa vụ quân sự không?

Về vấn đề này, Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, căn cứ điều 31 luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, có quy định về tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ, gồm: lý lịch rõ ràng; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định; có trình độ văn hóa phù hợp.

Không đạt sức khỏe nhưng nhận giấy báo đi nghĩa vụ quân sự, phải làm sao?- Ảnh 1.

Công dân được gọi nhập ngũ phải đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định

NGỌC DƯƠNG

Về tiêu chuẩn sức khỏe của công dân nhập ngũ thì căn cứ vào Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30.6.2016 của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; Thông tư 148/2018/TT-BQP ngày 4.10.2018 của Bộ Quốc phòng về quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.

Không đạt sức khỏe nhưng nhận giấy báo đi nghĩa vụ quân sự, phải làm sao?

Nếu công dân có thắc mắc hoặc không đồng ý về kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì căn cứ điều 8 của Thông tư liên tịch số 16, quy định về việc Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự, cụ thể:

  1. Hội đồng giám định y khoa tỉnh tổ chức giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự khi có các khiếu nại liên quan đến sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự, công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị, do Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện đề nghị.
  2. Yêu cầu giám định: Giám định tình trạng bệnh tật theo đề nghị của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện; kết luận giám định phải xác định rõ tình trạng bệnh tật và phân loại sức khỏe theo Bảng số 1, Bảng số 2 và Bảng số 3 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
  3. Trong vòng 7 - 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị giám định sức khỏe, Hội đồng giám định y khoa tỉnh phải có kết luận giám định sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và gửi hồ sơ, kết quả giám định cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện.
  4. Quyết định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh là kết luận cuối cùng về khiếu nại sức khỏe của công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự và tuyển sinh quân sự.

Ngoài ra, báo chí cũng nêu câu hỏi về trường hợp người có tật khúc xạ về mắt, có hồ sơ bệnh án của Bệnh viện Mắt TP.HCM xác nhận, thị lực không kính (mắt phải: 1/10; mắt trái: 1/10); độ trục (loạn thị) mắt phải: 1,5 Diop; mắt trái: 1,25 Diop thì có thuộc đối tượng gọi nhập ngũ không.

Về câu hỏi này, Bộ Tư lệnh TP.HCM cho hay, xét trường hợp này căn cứ theo Thông tư liên tịch số 16 và Thông tư số 148, thì thị lực không kính (MP: 1/10; MT:1/10) là Loại 6; Độ trục (loạn thị) mắt phải: 1,5 Diop; mắt trái: 1,25 Diop thì là Loại 6.

Do đó, trường hợp này về việc tiêu chuẩn tuyển quân thì không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ.

Bộ Tư lệnh TP.HCM cho hay giai đoạn 2016 - 2023, TP.HCM thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, luôn đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu pháp lệnh với kết quả đã giao 19.357 công dân, đạt 100% chỉ tiêu, với chất lượng giao quân ngày càng cao.

Cụ thể, cử tuyển đảng viên chính thức nhập ngũ đạt 2,86% so với chỉ tiêu; công dân nhập ngũ có trình độ học vấn trung cấp, cao đẳng, đại học đạt 39,50% so với chỉ tiêu, công dân có sức khỏe loại 1, loại 2 đạt 78,81% so với chỉ tiêu.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật Nghĩa vụ quân sự và công tác tuyển quân vẫn còn có khó khăn, TP.HCM là đô thị đặc biệt, mật độ dân số cao, công dân tiếp xúc thường xuyên với máy tính, điện thoại, thiết bị công nghệ cao dẫn tới dễ mắc các bệnh về tật khúc xạ.

Hiện nay qua khảo căn cứ tình hình thực tế tại TP.HCM có tỷ lệ công dân bị mắc tật khúc xạ về mắt rất cao. Qua khảo sát của các trường, học sinh - sinh viên bị mắc tật khúc xạ chiếm trên 80%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.