Không để bình ổn thành... bất ổn

21/08/2024 04:15 GMT+7

Sau khoảng 2 tháng thực hiện bán vàng qua 5 đơn vị gồm 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC, chúng ta đã đạt các mục tiêu được đơn vị quản lý đặt ra là bình ổn thị trường và kéo giá trong nước tiệm cận giá thế giới.

Thay vì chênh lệch cao hơn tới 18 - 20 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước và thế giới đã sát lại gần nhau, chỉ còn khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn và vàng miếng cũng tiệm cận nhau, thay vì chênh tới 12 - 13 triệu đồng như trước đây. Nghĩa là bình ổn giá - mục tiêu lớn nhất đã đạt. Vì thế, hiện là thời cơ chín muồi để đưa vàng trở lại trạng thái giao dịch bình thường. Bởi chúng ta đều nhận thấy đã xuất hiện rất rõ các mầm mống của tình trạng bất bình thường với một mặt hàng bình thường nếu tiếp tục kéo dài các biện pháp bình ổn mà cơ quan quản lý đang áp dụng.

Thứ nhất, vàng không phải là hàng hóa thiết yếu nên không nhất thiết phải bình ổn kéo dài. Sở hữu vàng là quyền tài sản hợp pháp của người dân nhưng hiện nay, mua hay bán vàng đều khó khăn do thị trường bị thu hẹp trong hệ thống phân phối của 4 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước chỉ định thay vì 16 đơn vị được cấp phép bán vàng; chỉ tập trung ở TP.HCM và Hà Nội thay vì trên địa bàn cả nước; trước đây có thể mua bán trực tiếp hoặc trực tuyến nhưng nay chỉ có thể đăng ký mua qua mạng và cũng rất khó khăn. Vì thế, rất nhiều người, nhất là ở các tỉnh, ở vùng sâu vùng xa có nhu cầu mua vàng để tích trữ, tiết kiệm... đều không mua được. Thứ 2, thị trường vàng nữ trang, đã từng mang lại kim ngạch xuất khẩu vài tỉ USD mỗi năm bị ngưng trệ, kéo theo nhiều nghệ nhân, người lao động... trong ngành này bị ảnh hưởng thu nhập, mất việc. Trong khi lẽ ra mảng này phải được mở rộng, phát triển, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch mà còn đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới, đóng góp cho ngân sách quốc gia. Thứ 3, thu hẹp thị trường vàng bằng giải pháp hành chính sẽ dẫn đến giao dịch bên lề, hình thành thị trường chợ đen, cò, đầu nậu mà vừa rồi, chính ngành ngân hàng phải phối hợp với công an để kiểm soát.

Tất nhiên, vẫn phải khẳng định quản lý vàng luôn là mối quan tâm của hầu hết các nước và VN cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với vấn đề quan trọng nhất là giải quyết nạn vàng hóa nền kinh tế thì chúng ta đã thành công. Từ "cái gì cũng quy ra vàng" trước đây, giờ vàng chỉ còn là một loại tài sản bình thường, chủ yếu để tích trữ chứ không còn ai thanh toán bằng vàng. Vì thế, quan trọng là làm thế nào để khơi thông vốn vàng, để thị trường vàng hoạt động lành mạnh, giao dịch bình thường chứ không nên hạn chế, thu hẹp, biến nó thành một mặt hàng đặc biệt hay bất thường. Mà để làm như vậy thì phải bỏ quy định độc quyền vàng miếng SJC, độc quyền xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng của Ngân hàng Nhà nước. Việc này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng thống nhất chủ trương, việc sửa đổi Nghị định 24 cũng được khởi động từ rất lâu nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay vẫn chưa thấy công bố.

Như nói ở trên, nếu kéo dài các biện pháp bình ổn hiện nay, không khéo lại thành bất ổn. Vì vậy, cần nhanh chóng trả vàng về trạng thái giao dịch bình thường càng sớm càng tốt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.