CẦN HƯỚNG DẪN CHI TIẾT CHO TỪNG DẠNG TẬT
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi TP.HCM, cho biết hiện nay TP.HCM có trên 57.000 NKT, chủ yếu là khuyết tật vận động. Trong quá trình chăm lo, thăm hỏi NKT, đơn vị ghi nhận rất nhiều người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe để tham gia giao thông nhưng gặp không ít khó khăn.
Hiện chưa có thống kê chính xác về số lượng NKT có giấy phép lái xe hay chạy "lụi" ngoài đường, nhưng qua nắm bắt thì số NKT được cấp giấy phép lái xe là rất ít. Lý do là những trở ngại từ khâu khám sức khỏe đến việc đào tạo, thi sát hạch, đăng kiểm. Nhất là đối với những NKT cần hoán cải xe phù hợp thì rất khó khăn trong việc xác định xe có đủ tiêu chuẩn, có vi phạm vấn đề bản quyền xe của các thương hiệu hay không…
Trong khi đó, vấn đề an toàn giao thông thì không ai biết trước được, ngay cả đối với người lái xe giỏi. NKT lái xe gây tai nạn giao thông vẫn bị xử lý theo các quy định liên quan.
"Cần xác định rằng không phải NKT nào cũng cần giấy phép lái xe. Họ nhìn nhận rất rõ về thực trạng bản thân, sức khỏe cũng như sự đảm bảo an toàn giao thông khi tham gia giao thông. Trong khi đó người có nhu cầu về giấy phép lái xe thì không được", bà Ngọc nói.
Vì vậy, theo bà Ngọc, luật đã có thì nay cần thêm những hướng dẫn chi tiết, đi vào từng dạng tật cụ thể chứ không thể cấp giấy phép lái xe chung chung được. Đồng thời, khi triển khai thực tế thì các bộ phận cấp quản lý nhà nước liên quan cần phối hợp, hỗ trợ tổ chức chặt chẽ và đồng bộ với nhau.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhấn mạnh rằng trước khi có giải pháp hoặc động thái mạnh mẽ hơn trong việc cấp giấy phép lái xe cho NKT thì cần đảm bảo, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông công cộng cho người khuyết tật để họ có nhiều lựa chọn tham gia giao thông hơn.
CHÍNH SÁCH NHÂN VĂN NHƯNG CẦN LÀM NGAY, ĐỒNG BỘ
Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển (Trung tâm DRD), nhấn mạnh rằng việc quy định cụ thể các tiêu chuẩn, điều kiện để NKT được cấp giấy phép lái xe góp phần thực thi quyền sống độc lập, hòa nhập cộng đồng được quy định trong luật Người khuyết tật 2010 và quyền di chuyển cá nhân của Công ước quốc tế về quyền của NKT mà VN đã phê chuẩn vào tháng 12.2014.
Việc cấp bằng lái xe cũng giúp NKT thuận lợi di chuyển, tăng cơ hội học tập, học nghề, tìm kiếm việc làm và tăng cường sự tự chủ về tài chính. Qua đó, giúp họ phát triển và ổn định cuộc sống, giảm phụ thuộc vào người thân, gia đình. Điều này có thể giúp họ trở nên tự tin hơn trong việc lựa chọn địa điểm và thời gian cho các hoạt động cá nhân và gia đình.
Với những bất cập mà NKT đang gặp phải khi có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe, ông Cử cho rằng trước tiên Bộ GTVT và Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể về cách hiểu đối với quy định điều kiện sức khỏe trong Thông tư liên tịch 24/2015, nhất là quy định "cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng)".
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIAO THÔNG CÔNG CỘNG CHO NKT
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (Sở GTVT TP.HCM) cho biết đơn vị luôn quan tâm tới công tác hỗ trợ NKT tham gia giao thông công cộng bằng xe buýt.
Cụ thể, phối hợp Trung tâm Khuyết tật và phát triển (Trung tâm DRD) tổ chức các lớp tập huấn cho tài xế và nhân viên phục vụ cách thức hỗ trợ NKT đi xe buýt, thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải phổ biến đến đội ngũ nhân viên lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt về thái độ, hành vi ứng xử đúng mực, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ NKT khi sử dụng xe buýt.
Đồng thời, đơn vị đảm bảo 100% NKT có nhu cầu làm thẻ đi xe buýt miễn phí nộp hồ sơ đều được hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và cấp thẻ. Ngoài ra, toàn bộ xe buýt trên các tuyến có trợ giá tại TP.HCM đều có khu vực ghế ngồi ưu tiên và ghế dành riêng cho NKT. Số lượng xe buýt có sàn thấp, sàn bán thấp và có thiết bị hỗ trợ NKT lên xuống xe chiếm 17%. Thời gian tới, đơn vị sẽ học tập, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến của các nước phục vụ người dân nói chung và người yếu thế nói riêng khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Vì theo cách hiểu của nhiều bệnh viện khi giải thích với NKT, người bị teo cơ chân thì tất nhiên là bàn chân bị mất chức năng. Nếu theo cách hiểu này, đã là NKT thì mặc nhiên không đạt tiêu chuẩn về mặt sức khỏe. Vậy Thông tư liên tịch 24/2015 không có ý nghĩa đối với NKT vì trong thực tế, mặc dù chân bị teo nhưng bàn chân vẫn có thể cử động, đạp phanh xe được.
Ông Cử cũng cho rằng Bộ GTVT cần xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết cho cơ quan đăng kiểm tại các tỉnh, thành trên cả nước để tiến hành kiểm định xe gắn máy 3 bánh hoặc ô tô đã được hoán cải phù hợp với dạng tật. Đồng thời cần hướng dẫn chi tiết cho các trung tâm đào tạo, sát hạch để họ tiếp nhận và biết cách đào tạo phù hợp với NKT có nhu cầu học, thi bằng lái xe máy hạng A1 (2 bánh, 3 bánh) và ô tô hạng B1 số tự động.
"Tôi cũng cho là cần quy định chế tài cụ thể đối với cá nhân hoặc tổ chức từ chối khám sức khỏe, đào tạo, kiểm định và cấp giấy phép lái xe cho NKT", ông Cử nói.
CHIA SẺ CỦA NKT
Trong group "Tiếng nói NKT VN" với khoảng 6.700 thành viên, chỉ cần tìm kiếm cụm từ "cấp giấy phép lái xe cho NKT" có thể thấy hàng loạt bài viết, bình luận từ nhiều năm trước, nhất là năm 2017 - thời điểm Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ được ban hành.
Một số ý kiến của NKT như sau:
"Mình chờ 6 năm nay chưa có bằng lái xe. Nhưng biết làm thế nào?". (Thanh Tâm)
"Mong rằng trong tương lai gần VN tạo điều kiện cho NKT được phép thi sát hạch giấy phép lái xe". (Hoàng Tính)
"Chính sách cấp giấy phép lái xe cho NKT rất nhân văn và tuyệt vời, phù hợp với quy định quốc tế. Nhưng tôi và 9 người khác cùng cụt tay phải đã phải đấu tranh 2 năm trời từ địa phương cho tới T.Ư với bao đơn từ, tốn bao nhiêu công sức.
Về cơ bản thì cũng thuận lợi nhưng cũng nhiều cơ quan còn có cái nhìn thiếu thiện cảm với NKT. Họ e ngại và sợ mình lái xe không an toàn, làm ảnh hưởng tới cộng đồng. Mình đã phải giải thích rất nhiều rằng lái xe cơ bản do ý thức con người. Tôi hãnh diện được học hành, thi cử đàng hoàng, đã đỗ và giành được tấm bằng B1.
Với người bình thường thì tấm bằng đó chỉ sau một nốt nhạc, nhưng với chúng tôi thì vất vả vô cùng. Chả lẽ NKT muốn chấp hành pháp luật khó thế sao? Giờ đây tôi cầm chiếc bằng B1 trên tay mà cứ ngỡ như không phải là sự thật. Niềm vui như vỡ òa… Giờ đây được vi vu trên mọi cung đường cùng với chiếc xe của mình. Mong sao cơ quan chức năng sẽ có những cái nhìn thiện cảm và tích cực hơn để mỗi NKT không phải nhận thêm những nỗi buồn của cuộc sống…". (Châu Tô)
Bình luận (0)