Không để dịch chồng dịch

13/02/2020 04:49 GMT+7

Hơn 1 tuần trước, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP tăng cường các biện pháp, chủ động phòng chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và ở người, không để xảy ra dịch chồng dịch.

Chỉ đạo này là hết sức cần thiết trong bối cảnh có thể nói, toàn xã hội tập trung vào phòng chống dịch Covid-19 mà quên đi các loại dịch khác vẫn đang rình rập nếu chúng ta lơ là.
Thực tế xảy ra đúng như vậy. Tại một số địa phương đã xuất hiện dịch cúm A/H5N1 dù không có sự biến đổi về độc lực gây bệnh nhưng nếu không chủ động phòng chống thì nguy cơ lây lan, bùng phát là rất lớn. Nhất là Trung Quốc lại vừa phát hiện có vi rút cúm A/H5N1 tại một trang trại ở quận Song Thành, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam. Đây là địa phương bên cạnh “ổ dịch” Covid-19 đang hoành hành là tỉnh Hồ Bắc. Tương tự với dịch tả lợn châu Phi, đã có địa phương xảy ra hiện tượng tái dịch là Hà Tĩnh, Nghệ An. Theo Báo Hà Tĩnh, sau khi đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12.2019), gần đây trên địa bàn 2 tỉnh này dịch bệnh tái phát tại nhiều nơi khiến hàng chục con lợn bị chết và tiêu hủy. Hậu quả của dịch bệnh thì “kinh khủng”. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, hàng triệu con lợn bị tiêu hủy, giá lợn tăng phi mã, nguy cơ thiếu thịt lợn gây căng thẳng cho thị trường... và cũng phải đến cuối năm 2019, đầu năm nay chúng ta mới khống chế được dịch này.
Dù dịch đã được kiểm soát nhưng mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa hết sạch. Nếu ồ ạt tái đàn mà không tính toán kỹ thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo quy định hiện nay, người nuôi phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt và các giải pháp an toàn sinh học. Cụ thể, nếu chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ phải cách khu dân cư 100 m, quy mô vừa cách 200 m, quy mô lớn 400 m và trại cách trại 50 m. Điều kiện để thực hiện các giải pháp an toàn sinh học là người nuôi phải đảm bảo chuồng trại, con giống, thức ăn và kiểm soát được các nhân tố trung gian truyền bệnh. Quy định thì đầy đủ nhưng nếu các cơ quan có thẩm quyền lo phòng chống dịch Covid-19 mà “quên” giám sát việc thực hiện tái đàn ở các hộ nhỏ lẻ thì nguy cơ rất lớn. Tuy giá lợn đã giảm nhiệt nhưng cũng vẫn còn khá cao so với trước khi xảy ra dịch bệnh, cộng với nỗi lo thiếu thực phẩm do dịch Covid-19 khiến không ít bà con có tâm lý muốn tái đàn nhanh để có lợn, gà bán.
Tái đàn để đảm bảo cung - cầu là cần thiết, nhưng không để tái đàn đi cùng với tái dịch là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện để không xảy ra tình trạng dịch chồng dịch như chỉ đạo của Thủ tướng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.