Không để lỡ 'chuyến tàu' công nghiệp thông minh

06/12/2017 07:16 GMT+7

Đó là các ý kiến nêu ra tại hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức ngày 5.12 tại Hà Nội.

Cần chủ động nắm bắt
Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, điều quan trọng trước nhất là cần xác định VN đang ở đâu trên con đường phát triển. Đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật, thực tiễn nền kinh tế, nền sản xuất trong nước, từ đó chỉ ra những cơ hội, thách thức, đe dọa để tiếp cận công nghiệp 4.0 một cách đúng đắn.
Theo Thủ tướng, các quốc gia trên thế giới đều có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như chương trình “Công nghiệp 4.0” của Đức; chương trình "Hợp tác sản xuất tiên tiến" của Mỹ với sáng kiến cộng đồng công nghiệp internet... Tương tự, hầu hết các nước phát triển và đang phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều đã đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế số, thúc đẩy công nghiệp thông minh. “Nhiều tập đoàn như Alibaba, Facebook, Amazon… đã trở thành những người khổng lồ trong thương mại điện tử, mạng xã hội và có tác động lan tỏa, kết nối mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu”, Thủ tướng đánh giá và lưu ý: “Cần xác định thế giới đang làm gì để phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt những nơi có điều kiện tương đồng với VN đã làm gì, có chiến lược ra sao”.
Thủ tướng cho hay, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều giải pháp quan trọng. “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển. Phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới. Phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


Động lực từ khu vực tư nhân
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 trước đây, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện chiến tranh, VN đã không thể bắt nhịp ngay từ đầu. "Vì vậy, đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt, phải kiên trì vượt qua các thách thức để phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Tuy vậy, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, nếu chỉ quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thời cơ và thách thức sẽ rất nguy hiểm và phải trả giá đắt", ông Bình nói.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư chỉ ra rằng, trong điều kiện trình độ phát triển tại nhiều vùng miền còn khác nhau, nhiều nơi còn đang áp dụng cách mạng 2.0, thậm chí là 1.0 thì việc đòi hỏi chiến lược riêng về công nghiệp 4.0 của VN cần phải được thiết kế với những lộ trình cụ thể, với những bước đi phù hợp, rõ ràng và khả thi. “Những ưu tiên quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số với động lực chính từ khu vực tư nhân, hình thành đồng bộ hạ tầng số quốc gia; có chính sách đào tạo lại đối với các lao động, sớm xây dựng và có các cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi hiệu quả chiến lược phát triển nhân lực công nghiệp đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế”, ông Bình bày tỏ.
Đối mặt và lựa chọn
Từ góc nhìn người làm doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho rằng cuộc cách mạng 4.0 mang lại cơ hội còn lớn hơn nhiều. Ông Bình kể lại trường hợp Estonia như một hình mẫu với câu chuyện công dân điện tử. Theo đó, nhờ dịch vụ cư trú kỹ thuật số (e-residency), một cá nhân hay tổ chức hoàn toàn có thể kinh doanh tại Estonia mà không cần băng qua biên giới Estonia. Một cư dân kỹ thuật số (e-resident) không chỉ có thể thành lập doanh nghiệp ở Estonia mà còn có quyền truy cập vào các dịch vụ trực tuyến khác đã có sẵn cho các cư dân Estonia hàng thập niên qua. "VN có làm được như Estonia hay không? Đó hoàn toàn là lựa chọn của VN", ông Bình nói.
Dẫn câu chuyện gần gũi hơn tại VN để minh chứng cho thái độ đối mặt và tinh thần nắm bắt thời cơ này, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Đại Dương kể trường hợp của một hãng taxi lớn, từng phản ứng gay gắt khi dịch vụ gọi xe qua mạng vào VN. "Tuy nhiên, giờ họ đã chọn cách cạnh tranh sòng phẳng bằng việc đặt mua phần mềm từ Ấn Độ để phát triển tổng đài điện tử, chuyển đổi từ taxi truyền thống sang hình thức tương tự cách gọi xe của Uber, Grab", ông Dương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.