Sáng ngày 1.8, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương ĐBSCL và TP.HCM nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho vùng; đồng thời giúp khu vực này sớm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Không để đứt gẫy kinh tế
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện nay, việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế trở nên nặng nề hơn với cả nước cũng như vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, càng khó khăn các địa phương càng phải quyết tâm, quyết liệt hơn. Bên cạnh việc tập trung phòng, chống dịch, các địa phương cần nỗ lực hết mình để thực hiện mục tiêu kép.
Cũng theo Thủ tướng, kinh tế thế giới sụt giảm mạnh, trong đó có các đối tác quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, từ ngày 1.8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, trên 85% dòng thuế đã được xóa bỏ. Đây sẽ là cơ hội, tác động tốt đến ĐBSCL, nơi được xem là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước. Lãnh đạo các địa phương trong vùng phải phân tích được mặt thuận, mặt trái để thúc đẩy phát triển các địa phương và vùng.
|
Đánh giá về kinh tế - xã hội nửa đầu năm, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế ĐBSCL trung bình khoảng 1,2%, nhìn khái quát thì sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn lớn. Có 5/13 tỉnh, thành tăng trưởng âm là Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang. Một số địa phương ngân sách giảm sâu như Tiền Giang, Cần Thơ. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công tốc độ chậm hơn các vùng khác, hiện mới đạt khoảng 34,5%, trong đó 2/3 số tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 30%, trong đó có TP.Cần Thơ.
Có tiền mà không có dự án, công trình
Thủ tướng nêu rõ, việc tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là việc rất quan trọng, bởi có tiền đó mà không giải ngân được thì không thể tăng trưởng được; có tiền đó mà không có công trình, dự án, cứ lúng túng việc này việc khác. “Chúng ta không để một lượng vốn nằm như vậy mãi. Do vậy, công việc từ nay đến cuối năm rất nặng nề, cả yêu cầu về chống dịch và phát triển, bảo đảm việc làm, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các đại biểu thảo luận không chỉ nêu khó khăn mà cần đưa ra giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ 2020 ở địa phương mình, ngành mình.
Các địa phương cần nêu rõ những vướng mắc nào khiến giải ngân chậm trên địa bàn, các nút thắt, điểm nghẽn về môi trường kinh doanh cần tháo gỡ là gì, từ đó đề xuất thêm cơ chế, chính sách nào đột phá để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến ĐBSCL nhiều hơn. Cùng với đó, các tỉnh thành ĐBSCL cần chuẩn bị sẵn điều kiện gì để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam cũng như đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2020, ĐBSCL phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Tăng trưởng kinh tế trung bình của vùng chỉ đạt 1,2% trong khi cả nước tăng 1,81%. Giải ngân vốn đầu tư công đến 30.6 của 13 địa phương trên 19.000 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 34,9%, trong đó 2/3 số tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 30%.
Trước đó, ngày 31.7, tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đến thị sát, kiểm tra dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020, đề nghị Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Tiền Giang xử lý vướng mắc của chủ đầu tư.
Bình luận (0)