Không để người lao động 'mất' tết

Thu Hằng
Thu Hằng
14/12/2022 08:15 GMT+7

Trước thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ lao động mất việc, giúp họ sớm ổn định đời sống.

Cầm cự bằng bốc vác, dọn nhà thuê

Gần 2 tháng nay, chị Trần Thị Tuyết, công nhân tại doanh nghiệp chuyên về thiết bị công nghiệp tại khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (H.Đông Anh, Hà Nội) hầu như đi làm việc luân phiên tuần 2 - 3 buổi, việc làm thêm không có. “Gần đây, công ty ít đơn hàng, ít việc lắm, trước thu nhập 12 triệu/tháng, giờ chỉ còn một nửa, cuộc sống vì vậy cũng khó khăn hơn. Những buổi không đi làm, tôi tranh thủ đi dọn nhà để có thêm chút tiền tiêu tết”, chị Tuyết nói.

Người lao động tìm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội

Thu Hằng

Dù ít việc, nhưng chị Tuyết vẫn may mắn hơn rất nhiều lao động là còn giữ được việc làm. Chị Lê Thị Hiền (quê Phú Thọ), công nhân KCN Thăng Long vừa bị nghỉ việc do công ty cắt giảm nhân sự, cho hay: “Tôi giờ hơn 40 tuổi tìm được công việc phù hợp rất khó. Nhiều ngày này tôi đã tìm việc trên các hội, nhóm công nhân, chỗ đăng tuyển thì chỉ nhận lao động trẻ. Tôi cũng đã đăng ký tìm việc trên sàn giao dịch việc làm, hy vọng có việc làm thời vụ cũng tốt lắm rồi”.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Cương, vốn là công nhân 1 doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử tại KCN Phú Nghĩa (H.Chương Mỹ, Hà Nội), hiện đang tạm thời làm bốc vác thời vụ để bám trụ qua dịp tết cận kề. Anh Cương cho biết, anh làm việc ở KCN được hơn 1 năm thì cuối tháng 10 phải nghỉ việc do công ty gặp khó khăn. Hơn 1 tháng qua, anh đôn đáo nộp hồ sơ xin việc ở các công ty trên địa bàn H.Chương Mỹ nhưng chưa được tiếp nhận.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có 31 doanh nghiệp cắt giảm giờ làm việc, trong đó 10.374 lao động bị giảm giờ làm, 2.642 lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động. Tại các KCN - khu chế xuất có 7 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, 1.609 lao động bị giảm giờ làm, 634 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Dự báo trong 3 tháng tới, số lao động bị giảm giờ làm sẽ tiếp tục tăng thêm 1.600 người.

“Tại Hà Nội hiện cũng có một số doanh nghiệp trong các KCN cắt giảm tới hàng trăm lao động. Tết đang đến rất gần, người lao động làm việc rất kỳ vọng vào các khoản lương thưởng cuối năm, nhưng bây giờ tự dưng mất việc, cuộc sống của họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay.

Hỗ trợ tìm việc cho người lao động

Bên cạnh các đơn vị cắt giảm lao động, theo Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng cuối năm tại Hà Nội tăng cao. Hiện nay có khoảng 3.575 doanh nghiệp đang có nhu cầu với 27.891 lao động; trong đó, riêng lao động phổ thông 1.066 người. Tính theo ngành nghề, có 800 vị trí tuyển dụng trong ngành dệt may, da giày; điện tử cần hơn 300 lao động; chế biến thủy sản 79 lao động; sản xuất gỗ, khai thác 506 lao động… Ngoài ra, nhiều ngành nghề dịch vụ, khách sạn, ăn uống… nhu cầu tuyển dụng cuối năm cũng rất cao.

Nhiều doanh nghiệp cho người lao động làm việc luân phiên trong thời gian chờ đợi các đơn hàng mới

T.H

Với vai trò là đơn vị kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ông Vũ Quang Thành cho biết, đối với những người lao động nghỉ việc, trung tâm sẽ tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Qua các hoạt động phối hợp, trung tâm tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động bị mất việc, tiến hành các hoạt động kết nối với doanh nghiệp khác hiện đang có nhu cầu tuyển dụng để họ tiếp tục sớm quay trở lại thị trường lao động, đặc biệt là dịp tết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khi cho người lao động nghỉ việc phải đóng bảo hiểm xã hội để chốt sổ, không được nợ bảo hiểm xã hội. Khi người lao động có đủ điều kiện hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm sẽ hỗ trợ kịp thời để họ có nguồn thu nhập trong dịp tết này…

“Chúng tôi hỗ trợ tối ưu giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho lao động, bảo đảm quyền lợi, giúp lao động được sử dụng khoản tiền dự phòng một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, các bộ phận hỗ trợ học nghề cũng tư vấn, định hướng và trợ giúp người lao động học tập, nâng cao trình độ tay nghề, trang bị thêm những kỹ năng nghề nghiệp khác khi có cơ hội”, ông Thành chia sẻ.

Ở góc độ giữ chân người lao động, theo ông Vũ Quang Thành, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm giải pháp tiếp tục có những đơn hàng mới. Nếu doanh nghiệp không đủ công việc để người lao động làm toàn thời gian, có thể giãn giờ làm. Trong trường hợp buộc phải cho người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp cần đảm bảo đầy đủ những chính sách như: trợ cấp mất việc, bảo hiểm thất nghiệp, lương, thưởng tết…

Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động dịp cuối năm, Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội đã yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công nhân, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp rà soát để thực hiện các chế độ tiền lương, thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận. Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội đặc biệt lưu ý công đoàn cơ sở quan tâm vấn đề tiền lương, thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ người lao động trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.