Không để tình trạng du khách tới mà... không ai tiếp đón

29/10/2018 20:21 GMT+7

Đó là chỉ đạo mới nhất của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng liên quan đến việc tàu chở khách du lịch tới Việt Nam nhưng không có chỗ cập cảng.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ động chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp cảng biển, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trong việc lập kế hoạch tiếp nhận các tàu chở khách du lịch quốc tế đến các cảng biển Việt Nam. Tránh lặp lại tình trạng tàu chở khách đến mà không có cảng tiếp nhận như thời gian vừa qua.
Đồng thời Bộ GTVT cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển cảng biển dành cho tàu chở khách khi tổ chức xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 995.
Trước đó, ngày 16.4, tàu Ovation of The Seas mang theo 4.000 du khách (chủ yếu quốc tịch Mỹ, Anh, Canada, Úc...) và 1.600 thủy thủ đoàn cập cảng Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhưng phải lênh đênh ngoài biển mặc dù đã đăng ký trước 18 tháng vì lý do tàu hàng đã lấp đầy cảng. Ngày 1.9, chuyến tàu Voyager of the Seas chở 2.800 khách đến TP.HCM cũng đã phải hủy do không có chỗ neo đậu, tàu Ovation of The Seas mang theo 4.800 du khách dự kiến đến TP.HCM ngày 7.10 cũng trong tình trạng tương tự.
Tại Tọa đàm "Công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP.HCM - 25 năm thành công và thách thức" do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức mới đây, TS Hà Bích Liên - giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM nhận định việc thiếu bến cảng đón tàu du lịch đang trở thành nút thắt lớn chặn phát triển du lịch tàu biển tại TP.HCM nói riêng cũng như Việt Nam nói chung vì các hãng tàu lớn trên thế giới có thể chở lượng khách rất lớn, từ 3.000 - 5.000 du khách, chủ yếu là khách châu Âu, chi tiêu trung bình mỗi khách cao, khoảng 100 USD. Hậu quả của việc thiếu bến là rất nhiều công ty lữ hành mất khách, người dân, dịch vụ, nhà nước bỏ lỡ nguồn thu lớn.
Thực tế, hiện Việt Nam chưa có bến cảng chuyên dụng đón tàu du lịch, các cảng biển lớn đón cả tàu hàng và tàu du lịch. 
Theo quy định, một tàu khách cập cảng phải đóng chi phí neo đậu khoảng 30.000 USD, trong khi tàu hàng với quy mô tương tự phải đóng 230.000 USD. Về kinh tế, sự chênh lệch quá lớn này chính là nguyên nhân chính tác động đến sự chọn lựa của chủ cảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.