Không chỉ ở TP.HCM, nơi dịch đang diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm Covid-19 luôn ở mức cao so với nhiều tỉnh, thành khác trong gần 1 tháng qua, mà những tỉnh khác như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp...cũng đã triển khai mô hình chốt kiểm soát, bảo vệ, mở rộng “vùng xanh”.
Không để “con sâu làm rầu nồi canh”
Nhiều bạn đọc (BĐ) nhấn mạnh, “vùng xanh” không chỉ là tên gọi, mà còn gợi lên ý niệm về niềm hy vọng, sự tươi sáng trong tương lai một khi vùng dân cư không xuất hiện các F0 (người nhiễm Covid-19). Nhưng hy vọng thôi chưa đủ, mà cần có những hành động thiết thực.
Theo đó, tự bản thân mỗi cư dân phải tự ý thức bảo vệ cho mình, người thân, gia đình, hàng xóm bằng cách tuân thủ quy định về giãn cách xã hội, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Điều cốt lõi khi áp dụng mô hình này là không để “con sâu làm rầu nồi canh”. “Khu vực nào chưa có ca mắc thì quyết tâm không để có ca mắc. Khu vực nào từng có và đã được bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng rồi thì quyết tâm không để tái nhiễm, lây lan. Chỉ cần một người dân sơ sẩy, thiếu ý thức, nguy cơ “chuyển màu” có thể xảy đến bất cứ lúc nào”, BĐ Hạnh Bảo viết.
Giải thích mình không phải là người tiêu cực, BĐ Dương Quốc Toàn cho rằng “cứ trong tâm thế xem mọi người là F0 để từ đó biết trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm với cộng đồng”.
Đề phòng ngoài chặt, trong lỏng
Nhiều BĐ cũng cho rằng một trong những nhu cầu thiết yếu mỗi ngày là lương thực, thực phẩm cho người dân trong “vùng xanh” để hạn chế đến mức thấp nhất việc di chuyển. BĐ Đỗ Minh đề xuất, các thành viên trực chốt kiểm soát “vùng xanh” làm chủ lực, cùng một số người dân trong vùng lập ra các gian hàng thiết yếu dựa trên nhu cầu và số lượng đơn hàng, mặt hàng của người dân trong khu vực để bán lại cho các hộ dân với mức giá phù hợp.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất hiện nay, theo nhiều BĐ, là tất cả những người dân sống trong “vùng xanh” phải được tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19. Nhưng còn một loại vắc xin khác, quan trọng không kém, đó là “vắc xin ý thức”.
“Cần đề phòng trường hợp sau một thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu giao tiếp, mưu sinh của chính những người dân trong “vùng xanh” sẽ gia tăng. Ngoài ra, không loại trừ một số người có tâm lý đây là vùng an toàn rồi, nên tự cho phép bản thân lơ là, chủ quan với các quy định giãn cách, khuyến cáo của ngành y tế. Thực tế cho thấy thậm chí ở một số khu vực bị cách ly, phong tỏa, vẫn có những người vô ý thức tụ tập ăn nhậu, hát hò, bài bạc, ra khỏi nhà không đeo khẩu trang... Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên người dân, cần phải duy trì trực chốt 24/24, kiểm tra bất ngờ... và kêu gọi người dân báo ngay cho chốt kiểm soát “vùng xanh” những người có hành vi vi phạm”, BĐ Lê Việt đề nghị.
Để gia tăng tính hiệu quả ở những chốt kiểm soát “vùng xanh”, nhiều ý kiến BĐ cũng đề xuất cần có sự tham gia của đại diện công an để sẵn sàng xử lý các trường hợp chống đối, có dấu hiệu vi phạm hình sự, có nguy cơ làm sứt mẻ “chiến hào”. Và cuối cùng là sự truyền cảm hứng, lan tỏa những cách làm hay để “vùng xanh” được mở rộng. “Từng bước mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” nào mọi người ơi!”, BĐ Dương Quốc Toàn viết.
Tuy là cùng mục đích thiết lập “vùng xanh” nhằm từng bước loại bỏ hoặc ngăn ngừa các ca F0 trong khu dân cư, nhưng mỗi nơi lại có mỗi cách làm khác nhau. Biết rằng điều này còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, mỗi tỉnh, thành nhưng cũng cần nêu ra những tiêu chí và nguyên tắc cơ bản để có hướng thực hiện.
Khanh Ha
Mỗi người dân trong “vùng xanh” cần phải cảnh giác cao độ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch... Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, tính kỷ luật, tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng là nhân văn, bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Thanh Tai
|
Bình luận (0)