Như Thanh Niên đã thông tin, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của TP.HCM mới đây, vấn đề xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe 3 - 4 bánh tự chế lưu thông trên đường khiến người dân bất an, dễ dẫn đến va quệt được phóng viên đặt ra. Trả lời việc này, thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết cách đây hơn 3 tháng, lực lượng CSGT tổ chức đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe 3 - 4 bánh tự chế, xe quá khổ, xe cồng kềnh.
Nan giải xử lý xe chở cồng kềnh: Chủ bỏ phương tiện, không nộp phạt
Theo thống kê, trong hơn 3 tháng, lực lượng CSGT TP.HCM phát hiện hơn 17.700 phương tiện vi phạm, trong đó có 1.716 xe 3 bánh, 37 xe thí điểm, 159 xe chở rác dân lập, còn lại là xe mô tô vi phạm. Trong các lỗi vi phạm, có hơn 6.000 trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh, 5.000 trường hợp vi phạm kéo theo vật khác, 2.500 trường hợp không đảm bảo an toàn kỹ thuật như không có thắng, còi, đèn, gương chiếu hậu… Nêu khó khăn trong việc xử lý loại phương tiện này, thượng tá Long cho hay tỷ lệ chấp hành quyết định xử phạt của chủ phương tiện khá thấp, đa số không nộp phạt, bỏ lại xe tự chế, gây thêm khó khăn, áp lực đối với kho bãi tạm giữ.
Nan giải xử lý xe chở cồng kềnh: Chủ bỏ phương tiện, không nộp phạt
Đe dọa tính mạng người đi đường
Trước thực trạng nói trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ lo ngại về nguy cơ tai nạn chực chờ trên đường phố. "Mỗi khi đi đường, tôi đều lo lắng vì những chiếc xe chở hàng cồng kềnh chạy ầm ầm, bất chấp. Chúng quá nguy hiểm, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể gây ra tai nạn", BĐ Tuấn Trần ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Thanh Hà cho biết từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe chở hàng cồng kềnh, xe "mù". "Những người điều khiển xe 3 bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh thường chạy ẩu, vượt ẩu, gây mất trật tự giao thông. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", BĐ này ý kiến thêm.
Còn BĐ Lê Thuấn viết: "Việc xe máy, xe tự chế chở hàng cồng kềnh vượt quá quy định đang diễn ra tràn lan, gây mất trật tự và an toàn giao thông. Những phương tiện này không chỉ gây nguy hiểm cho người khác mà còn vi phạm pháp luật. Việc xử phạt nghiêm khắc và tịch thu phương tiện là điều cần thiết để răn đe và chấm dứt tình trạng này".
"Gần như ngày nào đi đường cũng gặp những trường hợp xe máy chở hàng cồng kềnh phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách sát bên các phương tiện khác. Quá nguy hiểm và cần phải xử lý nghiêm", BĐ Dương Châu thẳng thắn.
Tiêu hủy phương tiện, cấm đăng ký mới
Nhiều ý kiến cho rằng cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý tình trạng xe máy, xe tự chế chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người đi đường. "Việc tịch thu phương tiện là một trong những giải pháp cần thiết", BĐ Hữu Đăng ý kiến.
Tương tự, BĐ Hương Nguyễn nêu quan điểm: "Vấn đề này đã tồn tại từ lâu mà chưa có biện pháp xử lý quyết liệt. Những người vi phạm thường rất coi thường luật pháp, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cách duy nhất để chấm dứt tình trạng này, theo tôi là tịch thu phương tiện và phạt tiền thật nặng".
Còn BĐ Thanh Hậu góp ý: "Những chiếc xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, quá khổ đang gây ra nhiều nguy hiểm trên đường. Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, cần phải tăng mức phạt đối với hành vi này lên gấp nhiều lần so với hiện nay. Đây là một biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng của mọi người".
"Việc nhiều chủ phương tiện bỏ mặc xe vi phạm tại các bãi tạm giữ đang gây ra nhiều hệ lụy, từ tình trạng quá tải, nguy cơ cháy nổ đến lãng phí tài nguyên. Để giải quyết vấn đề này, đề nghị siết chặt quy định, rút ngắn thời gian xử lý và tịch thu phương tiện vi phạm tiêu hủy. Đồng thời, cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng này tái diễn, chẳng hạn như không cho phép người vi phạm hoặc chủ xe đăng ký bất kỳ phương tiện mới nào", BĐ Nguyễn Giang đề nghị.
Mấy xe này nếu quá 1 tháng tạm giữ không lấy thì tịch thu và tiêu hủy.
S.N
Cần giao cơ chế cho CSGT, xe nào bỏ không nộp phạt thì sau 2 tuần sẽ tiêu hủy. Tránh làm quá tải kho bãi ảnh hưởng đến công tác bảo vệ an toàn giao thông của ngành.
David Leel
Nếu xe 3 bánh là phương tiện kiếm cơm của người nghèo, thiết nghĩ cũng nên quy định giờ chạy từ 9 - 15 giờ hoặc 21 - 5 giờ hôm sau. Nếu ai vi phạm thì phạt nặng.
Huu Duc
Bình luận (0)