'Không được lấy đi những gì tốt đẹp nhất dành cho thiếu nhi'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
28/03/2022 16:29 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu phụ trách công tác thiếu nhi góp ý cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII diễn ra sáng nay 28.3, do T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức.

Ngày 28.3, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ phụ trách thiếu nhi xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự chủ trì của chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, và anh Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang chủ trì hội nghị

kiều anh

Không được thu hẹp thiết chế văn hóa

Nêu ý kiến tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng cần phải dành những điều kiện tốt nhất cho thiếu nhi phát triển toàn diện, trong đó không được thu hẹp những thiết chế văn hóa dành cho thiếu nhi như hiện nay.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư khóa 2, cho biết hiện nay có tình trạng cán bộ phụ trách Đội giảm, số lượng nhà thiếu nhi, thiết chế văn hóa cho thiếu nhi giảm nên chưa đủ đáp ứng các điều kiện dành cho thiếu nhi.

“Ngày trước, trong thời kỳ khó khăn nhất, chúng ta còn dành những điều tươi đẹp cho thiếu nhi, đằng này hiện nay tình hình khá hơn nhưng chúng ta lại lấy lại một số cơ sở tốt đẹp của thiếu nhi”, bà Thảo thẳng thắn nói.

Bà Phạm Phương Thảo góp ý kiến tại đầu cầu TP.HCM

kiều anh

Theo bà Thảo, hiện nay nhiều nơi trẻ em còn hành xử theo kiểu bạo lực, đánh nhau, cũng như áp lực về học hành quá nặng có thể dẫn đến một số trường hợp bị bế tắc, tự tử. Tình trạng trẻ em tự kỷ cũng tăng trong tình hình mới; những hạn chế về công tác thiếu nhi, chăm lo cho thiếu nhi vẫn có, nên những hạn chế này cần được nêu rõ nguyên nhân.

Bà Thảo cho rằng, cần xem lại việc quan tâm của các cấp lãnh đạo đến thiếu nhi đã đầy đủ chưa, vì đây là vấn đề thực hiện khát vọng của đất nước. Thế hệ thiếu nhi bây giờ sẽ là công dân tương lai - chủ nhân tương lai của đất nước những năm 2030 - 2045.

Đặc biệt, theo bà Thảo, việc giáo dục cho thiếu nhi còn thiếu các sản phẩm văn hóa phù hợp. “Bây giờ các em thiếu rất nhiều, truyện tranh cũng dịch từ nước ngoài, giờ vàng cho thiếu nhi xem truyền hình không có, sản phẩm văn học nghệ thuật bây giờ thiếu phong phú, bài hát hay cũ rồi. Nên chăng, phát động đợt sáng tác mới dành cho các em thế nào. Chúng ta nói rằng mỗi tuần có một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương đẹp. Nói lâu rồi, nhưng triển khai như thế nào? Bây giờ ở nông thôn, cuốn sách nào hay, thiếu lắm”, bà Thảo chia sẻ.

Các đại biểu tham dự trực tuyến tại các điểm cầu

kiều anh

Theo bà Thảo, cần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội cho thiếu nhi và phải tăng cường giao lưu của các em trong thực tế cuộc sống, chứ không phải chỉ sinh hoạt suông; phải làm việc với ngành giáo dục, bớt kiến thức ở nhà trường để dành thời gian cho các em sinh hoạt Đội. Đặc biệt, không được lấy đi những gì tốt đẹp nhất dành cho thiếu nhi.

“Cần đề xuất để không giảm thiết chế văn hóa cho thiếu nhi, mà phải có thêm thiết chế, có sản phẩm văn hóa, thêm “giờ vàng” cho thanh thiếu nhi”, bà Thảo nói.

“Phải làm cho ra”

Nêu ý kiến tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng cần phải có đánh giá đúng về một thế hệ thiếu nhi mới trong bối cảnh mạng xã hội có nhiều tiêu cực và Cách mạng 4.0; cần bổ sung các năng lực mà thiếu nhi cần có là tự tin, tự chủ, có thể lực tốt, có lối sống xanh…

Đại biểu Nguyễn Văn Thỏa góp ý kiến tại hội nghị

kiểu anh

Đáng chú ý, các đại biểu cho rằng, cần củng cố và nâng cao chất lượng cán bộ phụ trách công tác Đội, bởi hiện nay có tình trạng thiếu cán bộ chuyên trách ở các địa phương; nhiều nhà trường bố trí giáo viên yếu kém làm Tổng phụ trách…

Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Sông Bé, nguyên Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Sông Bé, cho biết công tác Đội muốn thành công quan trọng là Tổng phụ trách.

“Tổng phụ trách bắt buộc phải có, nhưng không phải bất kỳ giáo viên nào yếu là đưa sang làm Tổng phụ trách, mà phải là một giáo viên chính trị, đạo đức, xã hội trong nhà trường. Giáo viên phải được đào tạo công tác Đội và phải là giáo viên có vị thế trong nhà trường”, ông Thỏa nói.

Theo ông Thỏa, công tác Đội cần đề ra khẩu hiệu, phong trào có sức lôi kéo các em tham gia. Hoạt động Đội không phải chỉ trong nhà trường mà phải phát huy cả ngoài nhà trường.

“Nếu chỉ trong nhà trường rất đơn điệu, hoạt động ngoài nhà trường không khó, bởi công trường, nhá máy, xí nghiệp rất nhiều. Các cán bộ Đội cần phát huy các mối quan hệ, đưa các em đến hoạt động ngoại khóa, nếu không các em sẽ không biết thế nào là cây lúa, thế nào là cây tranh”, ông Thỏa phân tích.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang kết luận hội nghị

kiều anh

Ông Thỏa cũng cho rằng, các nhà trường và xã hội cần phải dành những điều tốt đẹp nhất cho thiếu nhi.

“Hiện các em mới tập trung học, ít khai thác các nhà thiếu nhi để hoạt động ngoại khóa và rèn luyện kỹ năng. Phải tạo ra điều kiện tốt nhất, dành những điều tốt đẹp nhất cho thiếu nhi. Chúng ta nói hay rồi, nhưng phải làm, làm cho ra”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết đây là hội nghị có số lượng đại biểu tham gia đông nhất trong các hội nghị mà Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, với 129 điểm cầu, gần 900 đại biểu tham dự.

Ngoài 17 ý kiến phát biểu trực tiếp, ban tổ chức nhận được 25 tham luận của chuyên gia và cán bộ Đội, 29 báo cáo tham luận đóng góp của các tỉnh, thành Đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố.

Theo chị Trang, các ý kiến đều có giá trị rất lớn về lý luận và thực tiễn. Những ý kiến này sẽ giúp Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội T.Ư có thêm nhiều thông tin, cơ sở chiến lược quan trọng để tổ chức Đoàn, Đội xác lập những giải pháp hiệu quả, phù hợp trong dự thảo báo cáo chính trị của nhiệm kỳ mới rõ nét hơn.

Qua những ý kiến đóng góp, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố cũng có rất nhiều bài học kinh nghiệm, tự xác lập được phong trào, chương trình trong giai đoạn mới, để chủ động xây dựng văn kiện Đại hội Đoàn cấp mình và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.