Do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến việc học, nhiều ý kiến đề nghị cần giảm tải kiểm tra, đánh giá cho học sinh trong năm học này |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Nên bỏ kiểm tra giữa kỳ
Trước tiên nhà trường cần loại bỏ các tiêu chí thi đua thiếu hợp lý. Đặc biệt, không nên đề ra các chỉ tiêu về chất lượng bộ môn phải đạt, số lượng học sinh (HS) phải lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp là bao nhiêu, trường phải đăng ký đạt danh hiệu trường chuẩn, cuối năm được xếp loại tiên tiến xuất sắc để được huyện, tỉnh khen…
Kế đến, cần tinh giảm các phong trào thi đua không cần thiết mang tính hình thức mất thời gian như: thi HS giỏi cấp THCS, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách đội giỏi, thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật… Những kỳ thi này rất áp lực cho HS, thầy cô bởi vừa dạy học vừa chống dịch, vừa dạy trực tuyến vừa dạy trực tiếp, thời gian dạy học trực tuyến nhiều ảnh hưởng chất lượng học tập.
Vì vậy cần thiết kế các kỳ kiểm tra đánh giá, thi với xu hướng gọn nhẹ hơn, chú trọng nhận xét sự tiến bộ của HS hơn là đánh giá dựa trên điểm số hiện nay, chỉ kiểm tra phần kiến thức trọng tâm cơ bản cốt lõi, nghiên cứu giảm bớt điểm kiểm tra thường xuyên. Ví dụ, môn lịch sử và địa lý lớp 6 chỉ cần 2 cột điểm thường xuyên (hiện tại là 4 cột điểm), bỏ kiểm tra giữa kỳ cho HS, chỉ kiểm tra cuối kỳ.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến việc học tập, thi cử của học sinh thay đổi lúc trực tiếp, lúc trực tuyến |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Địa phương có thể linh hoạt về hình thức và thời gian kiểm tra
Các hướng dẫn chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc kiểm tra, đánh giá trong năm học này cho thấy quan điểm chỉ đạo của bộ không phải là giảm bớt số lượng bài kiểm tra theo quy định mà cho phép các địa phương, nhà trường có thể kéo dài thời gian năm học để đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Khi các trường học trên cả nước đồng loạt mở cửa trở lại vào thời điểm tháng 2 vừa qua, trong công điện gửi giám đốc sở GD-ĐT các địa phương những lưu ý quan trọng khi chuyển từ dạy học trực tuyến sang trực tiếp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu: “Các trường tiếp tục tổ chức dạy học các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của bộ phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng HS, tránh gây áp lực, quá tải đối với HS; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng HS có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với HS không được học qua truyền hình, HS chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian HS đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
Văn bản của bộ cũng lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện nếu kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 được quy định tại Quyết định số 2551 không đủ để thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, các cơ sở giáo dục đề xuất để sở GD-ĐT báo cáo Bộ GD-ĐT đề xuất phương án điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với việc kiểm tra, đánh giá, văn bản hướng dẫn của bộ nêu: đánh giá HS phù hợp với hình thức tổ chức dạy học ứng phó dịch Covid-19; việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo quy định hiện hành, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng học tập của HS, linh hoạt trong tổ chức thực hiện để ứng phó với dịch Covid-19. Bộ yêu cầu việc đánh giá định kỳ (giữa học kỳ 1, cuối học kỳ 1, giữa học kỳ 2 và cuối năm học) được thực hiện linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương.
Khi chỉ đạo về kiểm tra, đánh giá HS trong năm học đặc biệt này, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Quan điểm của bộ là tùy điều kiện thực tế ở các địa phương, các sở, phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tiếp hay trực tuyến. Đồng thời, các địa phương có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian thực hiện kiểm tra phù hợp với kế hoạch năm học này, kế hoạch năm học mới và tình hình dịch bệnh tại địa bàn”.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết từ đầu năm học, cùng với việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình, sách giáo khoa để ứng phó với dạy học trong bối cảnh dịch bệnh, bộ đã có những lưu ý, chỉ đạo liên quan đến kiểm tra đánh giá để giảm tải, giảm áp lực cho HS trên tinh thần phải đảm bảo chất lượng. Về mặt nội dung kiểm tra, đánh giá, để giảm áp lực cho HS, bộ cũng có văn bản và thường xuyên lưu ý các cơ sở giáo dục không kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với những nội dung hướng dẫn HS tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, những nội dung không yêu cầu; và những nội dung yêu cầu HS thực hành, thí nghiệm trong văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học ứng phó tình hình dịch bệnh mà bộ đã ban hành đầu năm học.
Đồ họa: thái công mẫn |
Kiểm tra không phải là sự tái hiện lại kiến thức máy móc
Về hình thức kiểm tra, theo ông Thành, căn cứ các văn bản hướng dẫn của bộ, các địa phương, nhà trường có thể thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá; kết hợp đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp. Việc kiểm tra, đánh giá không phải là sự tái hiện lại kiến thức của HS một cách máy móc mà HS phải vận dụng được kiến thức đã học để thực hiện các yêu cầu đặt ra.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cũng nhấn mạnh dù dạy học trong hoàn cảnh nào thì kiểm tra đánh giá phải thực chất, hướng tới kết quả thực. Từ kết quả kiểm tra đánh giá thực chất ấy, nếu thấy cần thiết sẽ thực hiện khung thời gian năm học cho phù hợp. Giải pháp mà bộ đưa ra là yêu cầu các địa phương đánh giá tình hình dịch bệnh để nới rộng khung thời gian năm học trong điều kiện cần thiết nhằm thêm thời gian cho HS học tập và đảm bảo chất lượng học tập, đảm bảo mục tiêu chất lượng. Nếu như năm trước, bộ cho phép một số địa phương (như Hà Nội) có thể bỏ bài kiểm tra cuối năm học với HS lớp 1, lớp 2 do phải học trực tuyến kéo dài thì năm nay bộ đã không cho phép điều này với lý do dịch bệnh xảy ra từ đầu năm học nên kế hoạch dạy học, kiểm tra ở các địa phương không còn lúng túng, bị động như năm trước nữa.
Đề thi tốt nghiệp căn cứ vào thực tế dạy học
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho rằng các tổ bộ môn cần xây dựng đa dạng nhiều hình thức kiểm tra để phù hợp với nhiều đối tượng HS. Tăng cường các hình thức đánh giá kỹ năng thay cho việc chỉ chú trọng kiểm tra kiến thức trong sách giáo khoa.
Riêng đối với lớp 12, thạc sĩ Du cho rằng, khi biên soạn đề thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT nên tính toán đến tình huống HS ở các địa phương phải thay đổi liên tục hình thức học tập.
Còn thạc sĩ Trần Đình Hương, Tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng đề thi tốt nghiệp phải căn cứ vào thực tế dạy và học trong thời gian qua nhưng cũng cần sự phân hóa từ 2 đến 3 điểm ở mỗi môn để các trường ĐH có cơ sở xét đầu vào công bằng cho HS trên toàn quốc.
Bình luận (0)