- Có mặt trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (có tổng mức đầu tư gần 11.500 tỉ đồng), PV Thanh Niên ghi nhận nhiều đoạn rào chắn đi qua xã Hương Phú (H.Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) bị tháo dỡ, chủ yếu tại các vị trí nối trục đường từ rừng sản xuất của người dân để đi vào cao tốc. Tại Km 13+745 có 2 điểm bị tháo dỡ nghiêm trọng, với chiều ngang khoảng 5 m. Từ đây, bùn đất được xe chở keo, tràm kéo ra bủa vây một đoạn của cao tốc.
Hàng rào cao tốc bị tháo dỡ tại thôn Xuân Phú, xã Hương Phú |
LÊ HOÀI NHÂN |
Ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Xuân Phú, xã Hương Phú, H.Nam Đông) nói: “Từ khi có đoạn đường cao tốc này, chúng tôi không còn đường để vào rừng sản xuất. Chúng tôi biết tự ý mở rào cao tốc là phạm pháp nhưng khi đến thời điểm khai thác rừng thì buộc lòng chúng tôi phải làm, bởi đời sống gia đình chỉ biết bám vào rừng. Nếu không có đường đi, người dân chúng tôi chỉ còn cách góp tiền… mua máy bay để chở gỗ thôi”.
Bất cập do thiếu đường gom
Trước tình trạng hàng rào của cao tốc liên tục bị tháo dỡ, ngày 29.12.2021, UBND H.Nam Đông có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tình hình cụ thể. Trong đó nêu rõ tại xã Hương Lộc, các tuyến đường gom (kết nối các tuyến đường dân sinh để dẫn ra đường chính, tránh đi vào cao tốc) đã thi công nhưng do mưa bão làm xói mòn, lở sâu vào đất liền hai bên cống bắc qua suối, người dân không đi lại được. Ở xã Hương Phú (nơi có nhiều điểm bị phá rào), tuyến đường sản xuất của người dân hiện tại còn nhiều điểm chưa được hoàn thành…
Theo báo cáo của UBND H.Nam Đông, trên địa bàn huyện có gần 36 ha rừng bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan. Trong đó, người dân có đơn đề nghị thu hồi hơn 13,5 ha, còn lại hơn 22,3 ha được người dân đề nghị mở đường sản xuất.
Ông Lê Thanh Hồ, Phó chủ tịch UBND H.Nam Đông, cho rằng hành vi tự ý phá hàng rào là vi phạm pháp luật, địa phương sẽ vận động người dân không nên phá hàng rào. Đồng thời, huyện sẽ kiến nghị với Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (BQL - đơn vị chủ đầu tư dự án) phải sớm khắc phục con đường gom đã làm, hiện đã hư hỏng sau một trận mưa năm 2021. “Với các đường gom chưa làm thì phải làm sớm, đường đang làm thì đẩy nhanh tiến độ để bà con có đường đi vào rừng sản xuất. Đối với các vị trí không thể mở đường gom, huyện đã có kiến nghị lên tỉnh cho thu hồi để giao lại cho địa phương quản lý, chuyển qua rừng phòng hộ”, ông Hồ nói.
Tuy nhiên, một đại diện BQL lại cho rằng đơn vị đã cùng địa phương rà soát nhiều lần và có thỏa thuận bằng văn bản trước đó về vấn đề đường gom. Còn lại một số đoạn đường tại Km 13, BQL đã bàn giao cho địa phương như đã thống nhất.
Liên quan đến rừng sản xuất của người dân, BQL cho rằng đã tiến hành làm các đường gom tại nhiều vị trí thích hợp; ở những điểm không khả thi để làm đường gom, chỉ còn cách đề nghị chính quyền địa phương thực hiện phương án bồi thường, thu hồi đất rừng của người dân để chuyển sang rừng phòng hộ. “Trước mắt, BQL sẽ tích cực phối hợp với địa phương vận động nhân dân đóng các đường ngang để bảo đảm an toàn trước khi tuyến đường đưa vào sử dụng”, đại diện BQL nói.
Tuy nhiên, giải pháp vận động xem ra chẳng mấy hiệu quả khi nhu cầu chính đáng của người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Bình luận (0)