Không giữ được rừng, hàng loạt dự án đầu tư liên quan đến rừng bị thu hồi

31/05/2019 07:30 GMT+7

Gần 200 dự án đầu tư của 312 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị thu hồi toàn bộ hoặc một phần vì nhiều lý do khác nhau.

Ngày 30.5, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 329 dự án/312 doanh nghiệp đang triển khai dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất rừng với tổng diện tích là 52.989 ha. Đến nay tỉnh đã thu hồi 195 dự án  với tổng diện tích 29.795 ha, gồm 161 dự án thu hồi toàn bộ với tổng diện tích 25.628 ha và 34 dự án thu hồi một phần  với tổng diện tích 4.167 ha.
Nguyên nhân thu hồi là do nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án hoặc triển khai chậm tiến độ đã được phê duyệt, không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên diện tích được thuê để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn…
Rừng thông trên diện tích đã giao cho một doanh nghiệp ở Lâm Đồng bị đầu độc chết dần Ảnh: Gia Bình
Liên quan đến vấn đề quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết thêm trong tháng 5.2019, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chức năng đã phát hiện lập biên bản 59 vụ vi phạm lâm luật, tuy nhiên mới có 34 vụ đã xác định đối tượng vi phạm, còn lại 25 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm (chiếm 42%). Diện tích thiệt hại do phá rừng hơn 13,9 ha, lâm sản thiệt hại trên 793,6 m3.
Tính trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số vụ vi phạm 272 vụ, trong đó mới có 131 vụ đã xác định đối tượng vi phạm, còn lại đến 141 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm (chiếm 52%). Diện tích thiệt hại do phá rừng trên 34,4 ha, lâm sản thiệt hại hơn 2.305 m3.
So với cùng kỳ năm 2018, mặc dù số vụ vi phạm giảm 71 vụ (21%), nhưng diện tích thiệt hại do phá rừng tăng hơn 10 ha (41%) và số lâm sản thiệt hại cũng tăng 1.159 m3 (101%). Tổng số vụ đã xử lý 235 vụ, trong đó xử lý hành chính 212 vụ, xử lý hình sự 23 vụ; tịch thu 405,676 m3 gỗ tròn, xẻ các loại; thu nộp ngân sách hơn 1,1 tỉ đồng.
Khoan lỗ đổ thuốc độc là thủ đoạn sát hại thông thường gặp ở Lâm Đồng Ảnh: Gia Bình
Theo nhận định của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, tình hình vi phạm lâm luật vẫn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng tái xuất hiện những “điểm nóng” như tình trạng ken cây, phá rừng, hủy hoại rừng bằng phương thức khoan lỗ đổ hóa chất gây chết cây rừng hàng loạt như đã xảy ra tại tiểu khu 292 xã Tân Thanh (H.Lâm Hà).
Ngoài nguyên nhân khách quan thì việc để xảy ra phá rừng cũng có nguyên nhân chủ quan như: một số chủ rừng, nhất là các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư còn buông lỏng trong công tác quản lý bảo vệ, chưa tổ chức lực lượng đủ mạnh để thực hiện việc ngăn chặn hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên lâm phần được thuê.
Cùng với đó, sự phối hợp của kiểm lâm với chủ rừng, chính quyền địa phương cấp xã và kiểm lâm với công an ở một số nơi chưa tốt, còn hoạt động theo vụ việc. Trình độ, năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ thực thi công vụ trong lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chưa cao, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, hiệu quả thấp...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.