Không học giỏi, có là người không?

07/12/2016 05:52 GMT+7

Thầy Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có lần bằng giọng run run xúc động, mắt rơm rớm dẫn lại câu hỏi của con một người bạn: “Bố ơi, con không học giỏi thì con không phải là người sao bố?”.

Đây chỉ là một trong vô vàn câu hỏi của học sinh (HS) trước áp lực học hành khiến ai nghe cũng nhói lòng và giật mình kiểm lại bản thân xem có góp phần khiến việc học với con là một gánh nặng, đầy ám ảnh?
Nữ sinh của một trường THPT ở quận trung tâm TP.HCM từ tốn kể câu chuyện của mình bằng một thái độ mệt mỏi. Đợt này em xếp thứ ba trong lớp, vui mừng chờ đợi ba mẹ khen nhưng em thất vọng biết bao khi ba hỏi: “Sao không hạng nhất? Sao không đứng nhất môn nào?”. Rồi như nhiều phụ huynh khác, ba em lại nhắc: “Hồi đó ba cực khổ mà được như thế này. Giờ con sung sướng mà không chịu học đàng hoàng”… Sau đó là lớp lang lý lẽ kiểu: “Ba mẹ làm lụng cực khổ, hối thúc con học tập là vì tương lai tốt đẹp của con chứ có phải cho ba mẹ...”. Nhưng phụ huynh đâu biết rằng con cái mình đã quá mệt mỏi đến mức “miễn nhiễm” với những răn đe này.
Có HS gặp áp lực kiểu khác. Mẹ cứ đem khoe thành tích của con lên mạng xã hội rồi kèm theo lời nhắn “Mong con gái của mẹ nỗ lực hơn nữa để đạt được ước mơ của mình”. Nhưng với con đây không phải lời động viên mà là áp lực để đạt được những thành tích mà theo HS này “thực chất đó là ước mơ của mẹ chứ không phải của em”.
Phụ huynh không có lỗi. Như lời một giáo viên tham gia diễn đàn Ai gây áp lực học hành? chia sẻ: “Vừa làm việc vừa đưa con đi học, phụ huynh như... trâu cày, cũng chẳng sướng gì khi bắt con mình học nhiều quá”. Thực tế, hơn ai hết, phụ huynh quá mệt mỏi với việc học hành của con cái. Nhưng tại sao họ phải chạy theo để gây áp lực cho con?
Chính những chuẩn giá trị mà xã hội đặt ra, quan niệm đánh giá nghiêng về thành tích trong giáo dục, chương trình học tập quá nặng nề, thiếu tính thực tiễn… đã khiến họ kéo con vào cuộc chạy đua không có hồi kết để rồi đưa ra những nhận xét, yêu cầu khiến cha mẹ - con cái mâu thuẫn nhau.
Nhưng trong môi trường sống ngày càng đa dạng, rộng mở và cởi mở hơn đã đến lúc mọi thứ cần thay đổi.
Xã hội vẫn rất kỳ vọng chương trình, sách giáo khoa mới trong vài năm tới sẽ không còn nặng nề, ôm đồm nữa. Chương trình sẽ được thiết kế theo hướng hiện đại, không gây quá tải mà lại phù hợp với năng lực và thế mạnh của mỗi HS. Đi kèm là sự thay đổi về đánh giá, thi cử theo hướng dựa vào năng lực, kỹ năng hơn điểm số, kiến thức. Những đổi mới này, nếu có, sẽ dần thay đổi quan niệm của xã hội về sự thành công của một HS cũng như thành đạt của một con người trong cuộc sống.
Có một sự thật mà ít ai chịu để ý khi lao vào cuộc chạy đua thành tích học tập. Đó là kết quả, điểm số học tập chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn vào sự thành công của một con người trong xã hội và cũng không là yếu tố then chốt khi đánh giá nhân cách của một ai đó.
Hôm nay vượt hơn mình ngày hôm qua, đó đã là một thành công. Nhắn nhủ với con điều này có lẽ dễ chịu hơn nhiều những lời răn đe hay tán dương mà đầy áp lực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.