Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), những ngày gần đây, số ca khám vì bệnh lý hô hấp đang gia tăng đáng kể. Trong môi trường không khí ô nhiễm, bụi mịn nhiều bé bị đau đỏ mắt, ho khan, da mẩn ngứa. Đặc biệt, các bệnh lý khò khè, hen suyễn, viêm tiểu phế quản ở trẻ tăng báo động. Trong đó, nhiều ca cần cấp cứu, hồi sức tích cực… vì cơ thể phản ứng với bụi ô nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết: Không khí ô nhiễm, bụi, đặc biệt là bụi mịn gây kích ứng đường hô hấp trên như hắt xì, ho, chảy nước mũi; đi sâu vào đường hô hấp dưới, bụi bẩn có thể kích ứng làm trẻ lên cơn hen suyển, dễ lên cơn đợt cấp với những bệnh nhân bị phổi tắt nghẽn mạn tính.
Ngoài ra, không khí ô nhiễm và bụi mịn cũng có thể kích ứng lên hệ thống mắt làm đỏ mắt; kích ứng da gây biểu hiện như nổi mề đay, ngứa, khó chịu.
Về lâu dài, các loại bụi có thể xâm nhập qua niêm mạc, đường tiêu hóa, đi đến những cơ quan khác, ảnh hưởng đến gan thận và phát triển thần kinh của trẻ.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và rối loạn tự kỷ ở trẻ em thông qua biến đổi ADN.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), ghi nhận trong những ngày qua cũng cho thấy số trẻ được đưa đến khám có sự gia tăng. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện nay, thời tiết đang giao mùa, không khí nửa đêm và sáng lạnh ẩm, lại thêm tình trạng ô nhiễm đang báo động, khiến nhiều trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp. Nặng nhất có thể bị viêm phổi, chiếm tỉ lệ cao là viêm phế quản, hen suyễn hay viêm hô hấp trên.
Ngoài ra, bác sĩ cũng cảnh báo thêm, thời gian này vẫn đang là mùa dịch của các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết. Phụ huynh nên chú ý phòng bệnh cho trẻ.
Phòng bệnh cho trẻ
Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Hoàng khuyến cáo phụ huynh: Khi ra đường nên chú ý đeo kính và khẩu trang đạt chất lượng để chống bụi cho trẻ. Khi ở ngoài đường về, nên nhỏ mắt, nhỏ mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý để loại bỏ bớt bụi bẩn bay vào mắt, đường hô hấp. Cần giữ ấm cho trẻ khi trời chuyển lạnh.
“Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ quan môi trường cảnh báo về mức độ bụi mịn (PM.2.5) cao, gây nguy hại cho sức khỏe. Bụi mịn này, nhiều loại khẩu trang không thể ngăn chặn được. Vì vậy, cách duy nhất phụ huynh nên là cố gắng cho bé ở trong nhà vào những giờ cao điểm xe đông, hạn chế ra đường khi không cần thiết”, bác sĩ Hoàng khuyên.
|
Theo bác sĩ Tiến, khẩu trang vải, khẩu trang y tế chỉ có thể lọc được các bụi lớn, hoặc vi khuẩn, vi sinh vật, còn bụi mịn thì không lọc được. Để bảo vệ trẻ, phụ huynh cần chọn khẩu trang có tiêu chuẩn lọc được bụi mịn được các cơ quan chức năng chứng nhận.
“Đặc biệt, khi dùng khẩu trang vải, phụ huynh cần chú ý giặt sạch, phơi khô, chứ không đó cũng là môi trường cho vi khuẩn, nấm phát triển, cũng có thể gây hại đường hô hấp cho trẻ nếu như đeo khẩu trang không sạch”, bác sĩ Tiến cảnh báo thêm.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, để phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ, phụ huynh cần: Chăm sóc, giữ vệ sinh và dinh dưỡng tốt cho trẻ để tăng cường sức đề kháng, trẻ nhỏ cần bú đủ, trẻ lớn cần uống đủ nước; chích ngừa đủ các loại vắc xin cần thiết; cho trẻ ngủ đủ giấc, không ngủ trễ hơn 21 giờ vì giấc ngủ sâu từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau rất quan trọng để tạo miễn dịch tăng sức đề kháng.
Đặc biệt, cần giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, quét/hút bụi thường xuyên; nhiệt độ trong phòng tránh nóng quá hoặc lạnh quá, nằm máy lạnh (27-28 độ), tránh gió lùa tốt hơn nằm quạt; không tắm lâu, không tắm nhiều lần.
Trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi nhẹ thì phụ huynh nhỏ mũi, bôi dầu lòng bàn chân, có thể uống thuốc ho thảo dược và điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp.
Bình luận (0)