Không kịp đàm phán giá điện tái tạo, EVN báo cáo gì lên Bộ Công thương?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
31/03/2023 13:32 GMT+7

Hôm nay (31.3) là hạn cuối Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải gửi báo cáo đàm phán xong giá điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp lên Bộ Công thương. Thế nhưng, tình hình cho thấy, EVN khó hoàn thành công việc đàm phán giá vì có quá nhiều vướng mắc.

Sáng 31.3, đại diện EVN cho biết về số hồ sơ chủ đầu tư gửi, công tác đàm phán giá điện mặt trời, điện gió có thể sang đầu tuần sau có thông tin và kịp báo cáo chi tiết.

Trước đó, 30.3, EVN có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương về những vướng mắc trong đàm phán giá điện các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Theo EVN, mới chỉ có 4 trong số 85 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 4.676 MW gửi hồ sơ đàm phán giá. Số dự án này không được hưởng giá FIT ưu đãi, mà phải đàm phán giá với EVN theo khung giá phát điện vừa được Bộ Công thương ban hành đầu năm nay.

Không kịp đàm phán giá điện tái tạo, EVN báo cáo gì lên Bộ Công thương? - Ảnh 1.

85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp chờ đàm phán bán điện

CHÍ NHÂN

EVN cho rằng, trong quá trình làm việc giữa nhà đầu tư và bên đàm phán mua điện đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ trước khi đi đến "thống nhất giá".

Đó là thời hạn hợp đồng theo Thông tư 01/2023 của Bộ Công thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió, hợp đồng mua bán điện thời hạn 20 năm với nhà máy điện mặt trời đã bị bỏ, nhưng vẫn giữ nguyên quy định với nhà máy điện gió. Việc này khiến EVN và các chủ đầu tư khó thống nhất về thời hạn hợp đồng với nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp.

Tương tự về cách xác định giá đàm phán, các nhà máy điện truyền thống đều có hướng dẫn về phương pháp tính giá, nhưng với nhà máy điện chuyển tiếp thì Bộ Công thương vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết các thông số đầu vào. Chẳng hạn, liên quan đời sống kinh tế cho dự án thủy điện là 40 năm, nhiệt điện than 30 năm, điện khí 25 năm, nhưng với dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp, lại chưa có quy định bao nhiêu năm nên chưa có cơ sở thực hiện. Hay về sản lượng điện dùng để tính toán giá điện, với dự án điện truyền thống (điện than, khí) sản lượng điện dùng để tính toán giá khoảng 6.000 - 6.500 giờ, nhưng dự án tái tạo chuyển tiếp chưa có hướng dẫn sản lượng này. Bên cạnh đó, các chi phí vận hành và bảo trì, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, lãi vay, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu… cũng chưa có.

Về phía các chủ đầu tư dự án điện chuyển tiếp cũng cho biết, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng/kWh và điện gió 1.587 - 1.816 đồng/kWh, thấp hơn 21 - 29% so với giá FIT ưu đãi 20 năm trước đây. Một số nhà đầu tư đề nghị Bộ Công thương tính toán thêm với các tư vấn, dùng thông số đầu vào hợp lý hơn, nhằm đảm bảo giá điện tái tạo cạnh tranh công bằng hơn.

EVN cũng có kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành cách tính giá điện để doanh nghiệp có cơ sở đàm phán cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp. Đề xuất giá điện sẽ gồm hai thành phần: giá cố định và giá vận hành, bảo dưỡng tương tự các nhà máy thủy điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.