Tỷ lệ hồ sơ nộp chỉ đạt 5%
Hôm nay (30.3) là hạn chót mà Bộ Công thương đưa ra cho Tập đoàn điện lực VN (EVN) về việc phối hợp với chủ đầu tư (CĐT) các nhà máy điện chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá chốt giá điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Thế nhưng, cập nhật đến chiều 29.3, mới có một dự án được CĐT gửi hồ sơ đến Công ty mua bán điện thuộc EVN (EPTC) và đã được hai bên tiến hành đàm phán giá.
"Có 4 hồ sơ của 4 dự án chuyển tiếp được gửi đi, nhưng bị trả về do… chưa đáp ứng đủ các yêu cầu theo danh mục", đại diện Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận thông tin, nhưng không nêu rõ các hồ sơ kia thiếu những yêu cầu gì mà bị trả về. Như vậy, tính luôn các hồ sơ bị trả thì tỷ lệ hồ sơ nộp để tham gia đàm phán giá đến nay chỉ chiếm khoảng 5% trên tổng số 84 dự án điện tái tạo đang chờ bán điện.
Ngày 29.3, trả lời Báo Thanh Niên, ông Lê Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp năng lượng Ninh Thuận, thừa nhận vẫn chưa gửi hồ sơ cho EPTC và công ty đang gấp rút hoàn thành... để kịp thời gian theo quy định để có thể tham gia đàm phán giá. "Chúng tôi không xây dựng hồ sơ theo chi phí giá thành sản xuất mà theo mức giá trần của Bộ Công thương đưa ra tại Quyết định 21. Điều mong muốn của chúng tôi hiện nay là có thể đàm phán chu kỳ giá kéo dài vài ba năm thay vì hằng năm. Bên cạnh đó, phải cho phép chuyển đổi giá sang tiền USD và điều chỉnh theo biến động tỷ giá hoặc quy định về trượt giá, lạm phát trong giá điện", ông Hà nói.
Bà Trần Thị Thùy Dương, Giám đốc phát triển kinh doanh dự án điện gió Nexif Energy Bến Tre (công suất 80 MW), cũng thông tin chưa thể hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của EPTC do vướng các thỏa thuận chuyên ngành ký với các đơn vị thành viên của EVN đã hết hiệu lực và cần điều chỉnh, gia hạn các thỏa thuận đấu nối, SCADA, đo đếm điện năng…
"Tại cuộc họp với EVN mới đây, Tổng giám đốc EVN đã trả lời NĐT là sẽ đồng ý cho phép gia hạn các thỏa thuận này, thế nhưng nay các đơn vị thành viên của EVN vẫn chưa đồng ý gia hạn với lý do chưa có chỉ đạo cụ thể từ EVN. Thế nên, CĐT không thể hoàn thiện hồ sơ đàm phán theo như yêu cầu của EPTC và doanh nghiệp hoàn toàn không cố tình bất hợp tác để hoàn thiện hồ sơ tham gia đàm phán", bà Thùy Dương chia sẻ.
Theo đại diện một doanh nghiệp đầu tư điện gió tại một tỉnh ở vùng Tây Nam bộ, khung giá điện Bộ Công thương đưa ra "chưa phản ánh đúng mối tương quan với việc tăng giá bán lẻ điện của EVN". Cụ thể, theo Quyết định 02/2023 của Thủ tướng về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân tăng so với khung giá bán lẻ điện trước đây quy định tại Quyết định 34/2017. "Mức giá bán lẻ điện bình quân mới đã tăng từ 220 - 568 đồng/kWh. Khung giá bán tăng, nhưng khung giá mua điện các dự án chuyển tiếp lại giảm mạnh, từ 21 - 29% so với giá FIT trước đây. Đây là sự mâu thuẫn quá lớn về cơ chế trong quản lý, điều tiết và không công bằng. Đầu vào giảm mạnh, tại sao giá bán ra lại tăng?", doanh nghiệp này nêu câu hỏi.
Cho phát điện lên lưới trước
Bà Trần Thị Thùy Dương kiến nghị: "Bộ Công thương sớm ban hành thông tư hay văn bản hướng dẫn phương pháp tính giá phù hợp với dự án điện gió và điện mặt trời. Với mức giá trần mà Bộ phê duyệt cho dự án điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh, hệ số hoàn vốn nội tại đạt khoảng 7% và dự án không có khả năng trả nợ. Để đạt được hệ số hoàn vốn nội tại (EIRR) khoảng 10%, giá bán điện sẽ tương ứng ở mức 2.250 đồng/kWh".
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận, cho rằng các CĐT rất thiện chí để tiến đến đàm phán bán điện do các dự án điện chuyển tiếp này hoàn tất đã lâu. Thế nhưng, các doanh nghiệp cũng đã có kiến nghị và chờ Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương điều chỉnh cơ chế giá phát điện cho dự án chuyển tiếp bởi việc ban hành khung giá điện các dự án chuyển tiếp tại Quyết định 21 của Bộ Công thương là quá vội vàng (chỉ 7 ngày sau khi EPTC có kết quả tính toán, rà soát - NV) và khung giá được ban hành mà không có tư vấn độc lập.
Theo quy định, với cơ chế giá phát điện cho các dự án chuyển tiếp, Bộ Công thương phải có đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định hay phê duyệt… song theo Quyết định 21 không có bất kỳ tham chiếu nào đề cập các văn bản được chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng tại Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, Quyết định 39/2018 về hỗ trợ phát triển điện gió.
"Các CĐT không nộp hồ sơ để đàm phán giá bán điện vì kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương xem xét lại giá mua. Thứ hai là thời hạn áp dụng cho giá đàm phán này cũng không rõ bao lâu. Nếu chỉ đàm phán bán điện cho 1 năm, năm sau lại xem xét đàm phán tiếp giá mua mới khác thì không có nhà đầu tư dám đàm phán. Khung giá mua điện áp dụng trong thời gian ngắn thì các tổ chức tài chính không tính được hiệu quả để đổ vốn vào", ông Bùi Văn Thịnh nhấn mạnh và kiến nghị: Trong khi chờ đợi chưa đàm phán giá mua được, hãy cho các dự án đã hoàn thiện thử nghiệm, đủ điều kiện huy động phát điện lên lưới để ghi nhận số liệu, nếu không máy móc hỏng hết. Đồng thời, sản lượng điện được phát lên lưới này phải được "trả một ít chi phí" để nhà đầu tư trang trải vận hành.
Trả lời Thanh Niên, một số CĐT chấp nhận được trả "chi phí vận hành" tạm thời và cho phát lượng điện đã có lên lưới với giá bằng 50% giá điện tái tạo cũng "cam lòng", còn hơn là không có đồng nào. Bởi hiện nay, CĐT đã kiệt quệ. Vì nếu cứ ngồi chờ hồ sơ đạt yêu cầu của EVN đưa ra, rồi đàm phán để có giá mới, chờ Bộ Công thương trình Chính phủ… để bán được điện, thì "được vạ, má đã sưng".
Các văn bản 107 và 1094 của Bộ Công thương ban hành trong tháng 1 và tháng 3 vừa qua đã yêu cầu EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện. Tuy nhiên, cả hai văn bản lại không hướng dẫn cụ thể phương pháp tính toán giá bán điện theo thông tư nào. EVN nói áp theo hướng dẫn tính giá tại Thông tư 57/2020, nhưng Thông tư 57 là hướng dẫn tính giá bán điện cho các dự án thủy điện, rất phức tạp và không phù hợp với mô hình điện gió và điện mặt trời.
Bà Trần Thị Thùy Dương
Bình luận (0)