Thậm chí theo ghi nhận của PV Thanh Niên tình trạng ném tiền, tranh giành để xoa tiền vào thanh bảo kiếm chính điện Thiên Trường, tại thời điểm 0 giờ đêm 14 tháng giêng âm lịch còn có phần “rôm rả” hơn.
Vấn đề muốn nói ở đây là cảnh hỗn loạn, xô lấn đến phản cảm ấy được ghi nhận tại thời điểm trước và trong chính lễ - thời điểm chỉ dành riêng cho các “đại biểu khách mời” là cán bộ, quan chức. 1.200 “đại biểu” là con số không lớn trong hàng vạn người dân đứng ngoài hàng rào trong đêm khai ấn đền Trần (thống kê công bố của ban tổ chức), nhưng cảnh ném tiền phản cảm, cảnh xô lấn, tranh cướp được ghi nhận, cho thấy văn hóa ứng xử trong lễ hội của các “đại biểu” rất đáng bàn.
Hình ảnh các “đại biểu” xô đến các bàn lễ và kiệu ấn khiến lực lượng an ninh và nhân viên nhà đền phải cực kỳ vất vả để bảo vệ đồ lễ tránh khỏi nạn “cướp lộc” gợi lên nhiều cảm xúc. Đầu tiên là nó lý giải cho những lộn xộn trong các lễ hội, sự biến tướng của tín ngưỡng thành cuồng tín và lòng tham thái quá từ đâu mà ra.
Một lễ hội có ý nghĩa nhân văn là cầu cho quốc thái dân an, giáo dục truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, động viên mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác, từ bao giờ lại biến thành nơi cầu quan tước. Và đáng buồn hơn, nơi lộn xộn nhất lại chính là nơi dành cho những vị “đại biểu”, những người nhận giấy mời từ ban tổ chức. Họ như bị vô thức tập thể, không biết xấu hổ và danh dự là gì. Thượng bất chính hạ tắc loạn - trách gì, các lễ hội bị biến dạng, người ta tranh đoạt nhau, nhờ cậy thần thánh để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Sau nữa là cảm giác rõ ràng về những bất cập trong quản lý lễ hội. Tại sao người ta lại phải ưu tiên quan chức, cán bộ vào chính điện nhận ấn “giờ thiêng”. Lễ hội là của cộng đồng, ai đã “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” lễ hội?
Không phải ngẫu nhiên mà ngày đầu tiên trở lại công sở sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện để chấn chỉnh lề lối, thái độ làm việc, trong đó nghiêm cấm công chức đi lễ hội trong giờ làm việc. Đồng loạt sau đó, các bộ, ngành, địa phương cũng nghiêm khắc chấn chỉnh tình hình này. Nhưng “xe công đi lễ chùa” đúng là vắng bóng hẳn, còn công chức sự thật có nghiêm túc chấp hành kỷ luật hay không thì lại còn phải chờ xem.
Chúng ta nói nhiều về câu chuyện giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc trong các lễ hội. Nhưng qua mỗi mùa lễ hội, những hình ảnh xấu xí, méo mó vẫn cứ tồn tại. Muốn phục hồi, nâng cao chất văn hóa, văn minh tín ngưỡng hơn ai hết cán bộ, công chức phải làm gương. Nếu không làm gương thì nói ai nghe.
Bình luận (0)