10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng 5 - 7%/năm và có một số ngành chế biến hiện đại nhưng nhìn chung năng lực chế biến chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dây chuyền công nghệ, công suất chế biến, đặc biệt là dịp mùa vụ, cao điểm thu hoạch.
Công nghiệp chế biến nông sản tăng nên các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân từ 8 - 10%/năm, trong đó thủy sản đang là ngành phát triển nhanh nhất. Nhưng đa số sản phẩm nông lâm sản xuất khẩu dưới dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng ở mức thấp.
Giá trị nông sản chế biến của nước ta thấp hơn từ 15 - 50% so với các sản phẩm cùng loại từ những nước khác đầu tư. Chưa kể câu chuyện liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà kinh doanh) được đặt ra nhiều năm nhưng chưa thực hiện được khiến nông sản Việt thường xuyên rơi vào tình trạng cần “giải cứu”.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho biết câu chuyện liên kết đã được các chuyên gia đề cập từ hơn 20 năm trước, nhưng đến nay tỷ lệ “có thể coi là có liên kết” chỉ đạt khoảng 15 - 20%.
GS Võ Tòng Xuân phân tích: Thực tế chúng ta đang có đủ các công thức, nguyên liệu để vận hành một hệ thống liên kết “4 nhà”. Tuy nhiên, mọi thứ đang mạnh ai nấy làm và rời rạc. Đặc biệt, đơn vị “nhà nông” hầu như trồng trọt không theo nguyên tắc, chỉ chạy theo trào lưu nhất thời, trồng trọt ồ ạt, thích làm tự do, không nghĩ tới việc trồng ra sẽ bán cho ai. Vì thế nên tình trạng giải cứu năm nào cũng xảy ra.
Kế đó, DN thu gom mua bán qua đường tiểu ngạch, không nỗ lực làm chính ngạch bằng hợp đồng thương mại, hàng có truy xuất nguồn gốc rõ ràng mà cứ gom hàng theo thương lái. Liên kết 4 nhà bị phá vỡ chính vì cách làm vô nguyên tắc của các đơn vị.
Hiến kế mô hình liên kết thành công, GS Xuân dẫn chứng việc hằng năm, tại các hội chợ nông nghiệp lớn, chính phủ Thái Lan thường tài trợ các nhà sản xuất lúa gạo lớn đưa hàng ra nước ngoài dự hội chợ, gặp khách hàng mới và ký hợp đồng ngay tại hội chợ. “Họ làm rất bài bản, Việt Nam cũng có tổ chức cho DN đi nhưng DN tự bỏ tiền túi và kết nối với đối tác, tính liên kết lỏng lẻo nên hiệu quả không cao. Không xây dựng được liên kết 4 nhà, nông nghiệp Việt Nam sẽ mãi chỉ là nền kinh tế giải cứu”, GS Xuân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Kao Siêu Lực nhận định để tránh “giải cứu” nông sản hằng năm, cần thiết có những DN đầu tàu, đầu tư nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm chế biến sử dụng nguyên liệu trong nước.
“Mảnh đất sáng tạo cho nhiều sản phẩm chế biến gắn kết với trái cây, rau quả còn dư địa rất nhiều. Tôi làm và quan tâm hàng đầu là chất lượng. Vậy một DN muốn tham gia chế biến, phải ra yêu cầu đặt hàng với nhà nông, yêu cầu không lạm dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, nếu có không mua, không bán, không trao đổi. Lâu dần, tạo một cái nếp “khó tính” hơn cho nhà nông. Tôi nghĩ muốn liên kết tốt phải bắt đầu từ ý thức người trồng cây và tính nghiêm túc đầu tư nghiên cứu của DN”, ông Lực nói.
Bình luận (0)