Điệp khúc giải cứu nông sản: Văn hóa giữ chữ tín

Chí Hiếu
Chí Hiếu
13/02/2020 08:52 GMT+7

Không chỉ nhà nông và các chủ hàng mà bản thân cơ quan quản lý, nhà phân phối lẫn người tiêu dùng đều không mặn mà với điệp khúc giải cứu này.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay, chỉ riêng trong tuần đầu sau tết “giải cứu”, một doanh nghiệp bán lẻ lớn (xin không nêu tên) đã lỗ tới 17 tỉ đồng vì cam kết “mua giá nào bán cho người tiêu dùng giá đó” trong khi doanh nghiệp phải bỏ ra các chi phí nhân công, vận chuyển, kho bãi... Chia sẻ điều này, ông Khánh cho rằng không thể cứ kêu gọi “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp mãi mà nhà nước cũng nên có chính sách để đồng hành, như giảm phí vận chuyển (cảng biển, logistics), hoặc xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Từ phía Vinmart, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc phụ trách khối cung ứng dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce, cho biết: “Doanh nghiệp đang chấp nhận lỗ, bán hàng không lợi nhuận” khi hỗ trợ phân phối 2 sản phẩm là thanh long đỏ và thanh long trắng. Dù chia sẻ với mong muốn của người nông dân là “bán cao được tí nào hay tí đó” song việc cam kết một giá nhưng khi giao hàng lại đòi giá khác là điều doanh nghiệp rất khó để đáp ứng.

“Giải cứu” dưa hấu bị rớt giá thảm hại vì virus corona

Theo ông Trần Duy Đông, “căn bệnh” cố hữu của các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nông sản là sản xuất thì manh mún nhưng sẵn sàng phá vỡ cam kết cung cấp hàng cho các nhà phân phối (nhất là nhà phân phối trong nước) khi có khách hàng trả giá cao hơn. Còn khi khó khăn không tiêu thụ được thì lại kêu gọi “giải cứu”, hỗ trợ... Việc “giải cứu”, hỗ trợ tiêu thụ chỉ là giải pháp ngắn hạn. Muốn nền nông nghiệp phát triển thực sự bền vững thì biện pháp là phải sản xuất quy mô lớn và hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, trong đó ưu tiên phát triển các doanh nghiệp tư nhân (nhà nước hỗ trợ về chính sách, đất đai, vốn) để sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc...; từ đó dễ vào hệ thống siêu thị và các thị trường nhập khẩu đang ngày càng khó tính lên.
“Còn trước mắt, cũng rất cần hình thành văn hóa kinh doanh “giữ chữ tín” thực hiện theo đúng cam kết; người nông dân phải trở thành “người công nhân” ăn lương của các doanh nghiệp; còn việc đầu ra, đầu vào, thị trường... để các ông chủ doanh nghiệp lo. Nhà nước nên chuyển dần hình thức hỗ trợ người nông dân trực tiếp như một số cách làm thời gian qua sang hỗ trợ gián tiếp thông qua các công cụ như bảo hiểm, giá bán... Giải quyết được những vấn đề đó và đi vào bản chất như trên thì mới thoát khỏi cảnh “giải cứu” nông sản và tình trạng không ăn khớp giữa sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Đông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.