Không lơ là dịch tả heo và cúm gia cầm

Đức Nguyễn
Đức Nguyễn
05/02/2020 08:34 GMT+7

Đó là khuyến cáo của ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN-PTNT Đồng Nai), trong bối cảnh bà con ở 'thủ phủ' heo và gà đang nỗ lực tái đàn.

Trả lời Thanh Niên ngày 4.2, ông Trần Văn Quang cho biết đợt dịch tả heo châu Phi và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên heo năm 2019 vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Tại Đồng Nai, “thủ phủ” heo của cả nước, có khoảng 450.000 con heo bị tiêu hủy với tổng trọng lượng khoảng 24.000 tấn, thiệt hại hơn 700 tỉ đồng. Hiện nay mầm bệnh dịch tả heo châu Phi đều có khắp nơi. Đặc điểm dịch tễ học của vi rút dịch tả heo châu Phi là sức đề kháng rất cao. Nếu bà con ồ ạt tái đàn mà không tính toán kỹ thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Bệnh nhân thứ 10 nhiễm virus corona tại Việt Nam là trường hợp từ người sang người

Theo ông Quang, hiện nay tổng đàn heo của Đồng Nai khoảng 2 triệu con. Tỉnh cũng đã có chỉ đạo và giao trách nhiệm cho ngành nông nghiệp, thú y, các địa phương... hướng dẫn, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn. Tuy nhiên, người nuôi phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt và các giải pháp an toàn sinh học theo tinh thần Thông tư 23 của Bộ NN-PTNT. Theo đó, nếu chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ phải cách khu dân cư 100 m, quy mô vừa cách 200 m, quy mô lớn 400 m và trại cách trại 50 m. Điều kiện để thực hiện các giải pháp an toàn sinh học là người nuôi phải đảm bảo chuồng trại, con giống, thức ăn và kiểm soát được các nhân tố trung gian truyền bệnh.
Đối với gà, ông Quang cho biết tổng số đàn gà tại Đồng Nai hiện nay có khoảng 24 triệu con, tăng 3 triệu con so với thời điểm trước dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, khi mật độ đàn gà đông thì cũng đồng nghĩa với dịch bệnh dễ xuất hiện. Hiện nay tại “thủ phủ” gà Đồng Nai cũng lác đác xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, ông Quang trấn an, gà đã có vắc xin phòng dịch nên chỉ cần thực hiện các giải pháp phòng dịch triệt để, giám sát dịch tễ, tiêm phòng, khử độc thường xuyên... Khi có hiện tượng gà chết hàng loạt thì lấy mẫu xét nghiệm ngay, đồng thời tiêu hủy gọn toàn đàn theo luật Thú y. Thực hiện các biện pháp tiêm phòng bao vây, sát trùng khử độc liên tục để kiểm soát không cho dịch bệnh lây lan.
Ông Quang cũng cho biết thêm ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tổng vệ sinh sát trùng khử độc, hạn chế và tiêu diệt các mầm bệnh phát sinh, trong đó có dịch tả heo châu Phi, dịch tả heo cổ điển, dịch heo tai xanh, dịch cúm gia cầm...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.