Theo các ngư dân, khi họ được vay vốn ưu đãi thì họ là chủ đầu tư, quyết định chọn cơ sở đóng mới, quyết định việc thiết kế con tàu, giám sát chất lượng, các ngân hàng thương mại chỉ là người cho vay chứ đừng áp đặt phải đóng tàu ở chỗ này hay chỗ kia, dẫn đến chất lượng không tốt, gây khó cho ngư dân.
Bên cạnh đó, việc thiết kế mẫu, giám sát kỹ thuật nếu tuân thủ theo quy định của Bộ NN-PTNT thì quá nhiêu khê. Muốn nghiệm thu hoàn thành việc đóng vỏ tàu cá phải chờ đợi đăng kiểm viên từ T.Ư về, mất thời gian, tốn kém tiền bạc. Vì thế, các ngư dân kiến nghị T.Ư cần ủy quyền cho các địa phương làm hoặc phân công cho đăng kiểm địa phương quản lý kỹ thuật đối với tàu cá địa phương (kể cả các tàu có chiều dài đường nước thiết kế từ 20 m trở lên) để tạo thuận lợi, kịp thời và tiết kiệm chi phí cho chủ tàu.
Ngoài ra, theo các ngư dân, đi biển rủi ro lớn nhưng chính sách hỗ trợ bảo hiểm theo Nghị định 67 không được triển khai từ ngày 1.1.2017 đã gây khó khăn rất lớn cho chủ tàu về kinh phí đóng bảo hiểm, vì không đóng bảo hiểm thân vỏ tàu thì ngân hàng không cho tàu ra khơi. Do vậy, nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu cá để ngư dân yên tâm đánh bắt.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Viết Chữ cho rằng những kiến nghị của ngư dân nêu trên là hoàn toàn chính đáng. “Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng, địa phương liên quan xác định việc gì của tỉnh thì tập trung tháo gỡ cho ngư dân, còn việc gì thuộc T.Ư thì kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội. Cái này không chỉ tháo gỡ khó khăn cho ngư dân Quảng Ngãi mà cả các ngư dân các tỉnh khác”, ông Chữ nói.
Bình luận (0)