Thông cáo nêu: Việc quy hoạch xây dựng khu hành chính tập trung mới mang tầm nhìn dài hạn. TP đang giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cho thật sự phù hợp với quá trình phát triển đô thị nhanh chóng và phải đảm bảo tính hiệu quả, tiện lợi trên mọi phương diện. Đến nay, lãnh đạo TP chưa có bất kỳ cuộc họp nào để thảo luận về vấn đề này
|
“Xuất hiện một số hạn chế”
Thông cáo cũng cho biết, tòa nhà trung tâm hành chính hiện nay được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 8.9.2014, tập trung 26 sở, ban, ngành và UBND TP. Với mô hình tập trung, trung tâm hành chính có những ưu điểm như: tính tương tác giữa tổ chức, công dân với chính quyền trong lĩnh vực hành chính trở nên thân thiện, hiệu quả; giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian; công tác phối hợp giữa các cơ quan trong tòa nhà diễn ra thông suốt.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công trình đã xuất hiện một số hạn chế chưa phù hợp với yêu cầu thực tế hoạt động công vụ và một số yêu cầu kỹ thuật. Tại một số vị trí của khối tháp có tình trạng nóng, một số phòng họp trong từng thời điểm nhất định xuất hiện việc thiếu dưỡng khí. UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan có phương án triển khai khắc phục tình trạng nóng và thiếu dưỡng khí.
Như Thanh Niên đã thông tin, trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9, Phó chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng cho hay, trong chương trình hành động của Thành ủy có đề cập việc xây dựng một khu hành chính và đã giao cho các ngành nghiên cứu để làm. “Sau này, có nghiên cứu, có điều tra, có tính toán thì các ngành sẽ đề xuất lên và sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội để tạo sự đồng thuận, có nhiều ý kiến đóng góp, tham gia, đảm bảo địa điểm di dời có thể phục vụ người dân cũng như là biểu tượng của TP”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP, cũng xác nhận Thành ủy đã đặt vấn đề di chuyển trung tâm hành chính ra khỏi tòa nhà, nhưng để di dời phải “trải qua nhiều khâu chuẩn bị, phải làm thật kỹ”.
Phải công khai, minh bạch
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh, khi còn là đại biểu HĐND TP, từng chất vấn về tính hiệu quả của tòa nhà hành chính hiện nay. Ông Lĩnh cho biết ông đã đặt nhiều câu hỏi về chi phí vận hành, có rẻ hơn và tiết kiệm hơn không, có làm cho nhân dân hài lòng, có gần gũi hay không...
tin liên quan
Có nên bỏ trung tâm hành chính ngàn tỉ?Chủ trương dời trung tâm hành chính của TP.Đà Nẵng đang gây xôn xao trong dư luận.
“Suốt nhiệm kỳ qua, vấn đề minh bạch đối với công trình tòa nhà trung tâm hành chính mà tôi đã chất vấn đến nay UBND TP vẫn chưa trả lời công khai”, ông Lĩnh nói và cho rằng cần có báo cáo trung thực, minh bạch từ tất cả các vấn đề trong vận hành tòa nhà. Việc lãnh đạo TP có ý định di dời bộ máy hành chính TP ra khỏi tòa nhà hiện nay không khiến ông Lĩnh bất ngờ, bởi khi tòa nhà mới vận hành, ông Lĩnh đã ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri than phiền như: kém gần gũi, kiến trúc thiếu tính nghiêm túc của cơ quan công quyền... Các cán bộ làm việc bên trong tòa nhà cũng phản ánh thiếu gió và không khí...
“Trước hết là phải đánh giá lại tất cả. Nếu thấy sai lầm thì nên sửa sai. Nếu thấy sai mà không sửa thì đó mới là lãng phí”, ông Lĩnh nói và cho rằng, việc di dời khỏi tòa nhà chưa hẳn đã gây ra lãng phí. Bởi trung tâm hành chính đang nằm tại vị trí tốt nên có thể chuyển nhượng cho những nhà đầu tư với số tiền không nhỏ. “Nhưng phải rõ ràng, công khai, minh bạch trước HĐND, trước cử tri, nhân dân và ý kiến phản biện của giới khoa học”, ông Lĩnh nói.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Thành (ở Q.Sơn Trà) nói thẳng khi nghe thông tin trung tâm hành chính TP sẽ rời khỏi tòa nhà, cũng như nhiều người khác anh rất bức xúc vì việc này sẽ gây lãng phí lớn. “Thời gian sử dụng quá ngắn lại tính tới chuyện di dời là rất lãng phí. Đó là chưa kể, phải đầu tư hàng ngàn tỉ nữa để xây lại trung tâm hành chính mới, trong khi đời sống dân sinh cũng cần được đầu tư nhiều”, anh Thành bày tỏ.
Nên cải tạo hơn là... bán
Từ khi đưa ra phương án, trên trang cá nhân Blog360, tôi đã từng viết không thích “trái bắp” - tên phiếm chỉ Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng. Đặc biệt sau đó, cạnh nó, có “hộp sữa” là khách sạn Novotel. Không thích cả về vị trí lẫn kiến trúc. Đó là vào thời điểm ấy, còn bây giờ “gạo đã nấu thành cơm”, nói chuyện bỏ đi (mọi người nói di dời tòa nhà trung tâm hành chính là không chuẩn), bản thân tôi lại thấy hơi “tâm tư”.
Một, về lý do xấu (như tôi thấy), thiếu ô xy (như nhiều ý kiến nêu) đều không thuyết phục. Vì, nếu thấy xấu thì chỉ cần mời đích danh KTS Võ Trọng Nghĩa ra cải tạo lại vỏ ngoài, tôi bảo đảm không chỉ thừa gió, đầy ô xy mà còn trở thành một biểu tượng kiến trúc xanh của TP (chứ tòa nhà ở TP biển mà chỉ bật máy lạnh, máy lạnh thì vận hành quá công suất đã từng phát cháy thì không hề ổn tí nào). Còn nói sợ kẹt xe thì không đúng. TP đang triển khai hệ thống xe buýt nhanh cao cấp, chỉ cần quy định công chức đến trung tâm hành chính bằng xe buýt là xong.
Hai, chuyện bán. 2.100 tỉ chắc chắn có người mua để cải tạo lại như tôi đã nói phần trên (có thể làm khách sạn, văn phòng cho thuê, thậm chí là căn hộ cao cấp)... Họ mua vì vị trí đắc địa không thể có được, mua vì khuôn viên nó rất rộng, nhiều đất vàng. Lúc đó sẽ hình thành trung tâm mua sắm, vui chơi sầm uất. Nhưng chính vì thế mà nếu bán, nguy cơ kẹt xe sẽ cao hơn rất nhiều so với để lại. Thành Điện Hải - di tích hiếm hoi còn sót lại - liền kề khó mà bảo toàn.
Còn nói lý do chuyển trung tâm hành chính để kích cầu phát triển các vùng khác là không có lý. Không ai tính chuyện thuê các thần đèn di dời trung tâm hành chính chạy quanh mỗi nơi đặt một thời gian để kích cầu cả.
Còn một điều tế nhị khác xin được nói luôn: Trung tâm hành chính là sản phẩm thời ông Nguyễn Bá Thanh. Lúc đó cũng đưa ra hội đồng, cũng lấy ý kiến này nọ... nhưng cứ cho ý kiến của ông Thanh có sức nặng đi thì ông Thanh không phải là thánh, ông cũng có cái không đúng. Nhưng việc vội vàng bỏ đi một công trình như thế, có cái gì đó chưa phải, chưa phải nhiều điều, về cả dư luận lẫn lòng dân.
Nguyễn Thế Thịnh
Công ty thiết kế Hàn Quốc... không còn hoạt động
Ông Lê Tự Gia Thạnh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.Đà Nẵng, cho biết: “Thiết kế tòa nhà trung tâm hành chính là TP tổ chức thi tuyển, trong đó Công ty Mooyoung Architects & Engineers (Hàn Quốc) trúng thiết kế, sau đó công ty này thuê Viện Quy hoạch xây dựng làm tư vấn phụ tại địa phương.
Công ty Mooyoung Architects & Engineers thiết kế toàn bộ, sau đó giao cho Viện Quy hoạch xây dựng cụ thể hóa, vẽ lại, ghi chung tên và xin phép thủ tục địa phương, công ty này chi phí cho Viện 10% thủ tục. Sau khi vận hành tòa nhà, có nhiều ý kiến về không khí, có thể tâm lý chưa quen làm việc trong nhà cao tầng, định tính là thế nhưng về định lượng thì đơn vị quản lý vận hành tòa nhà có mời chuyên gia đo đạc và kết quả thông số kỹ thuật vẫn đạt chuẩn”.
Theo ông Thạnh, hiện người đứng đầu Công ty Mooyoung Architects & Engineers đang vướng vào pháp lý, chuyển nhượng lại cho ngân hàng và bị ngân hàng phong tỏa, Ban Quản lý dự án xây dựng TP.Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án tòa nhà trung tâm hành chính) liên hệ với họ rất khó khăn, nên hiện Viện Quy hoạch xây dựng vẫn làm tư vấn địa phương trong trường hợp sửa chữa.
Ông Nguyễn Hữu Hinh, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng TP.Đà Nẵng cũng xác nhận, hiện Công ty Mooyoung Architects & Engineers không còn hoạt động.
Nguyễn Tú
|
Di dời phải giải trình với Chính phủ
Khi đề cập đến vấn đề này, PGS-TS-KTS Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nói ngay: “Đây là chuyện không chỉ riêng của Đà Nẵng. Nếu như việc di dời diễn ra thật, thì đó là một bài học đắt giá về tư duy tổ chức, xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan công quyền”.
Ông Hòa chỉ ra bất cập, đó là thời gian qua ở nhiều tỉnh, thành có “mốt” là làm gì cũng thuê tư vấn - thiết kế nước ngoài. Cũng có cái tốt khi thuê như vậy, nhưng bất cập ở chỗ, là khi chấm đồ án thì người của mình chấm; giữa đề bài và tiêu chí chấm nhiều lúc “lệch pha” nhau nên nảy sinh chuyện tréo ngoe; rốt cuộc chuyên gia cũng phải “chiều” theo ý kiến và lựa chọn theo tiêu chí đẹp của lãnh đạo mà không tuân thủ đúng mức sự chuẩn mực của công năng và kiến trúc phù hợp. Chúng ta phải đặc biệt lưu ý đến việc này, phải có sự tương thích, chứ không phải cứ thuê tư vấn nước ngoài là được hết.
Về tính bền vững của trụ sở cơ quan công quyền, ông Hòa cho rằng thực tế ở VN có những công trình do người Pháp xây đã tồn tại hàng trăm năm qua từ bắc đến nam, và hiện nay vẫn đang sử dụng với công năng còn rất tốt.
“Tôi thấy rất tiếc là công trình Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng giờ đã xây rồi, nhưng khi đang còn làm, tôi nhìn vào đã thấy không ổn. Trước hết, nhìn diện mạo kiến trúc chưa thật hợp lý vì giống hệt tòa nhà thương mại; vị trí xây dựng trong một ô phố nhỏ, không gian trước - sau không thật sự đảm bảo thoáng rộng...”. Bày tỏ băn khoăn từ thực tế ngày càng xuất hiện nhiều tòa nhà hành chính cao tầng ở các tỉnh, thành, ông Hòa cho rằng vấn đề quan trọng nhất là xem xét kỹ lại tầm nhìn quy hoạch, diện mạo kiến trúc. Trụ sở cơ quan công quyền phải thể hiện tính uy nghi, không gian có trước có sau, hài hòa, cân đối, thể hiện tính bền vững, ít nhất là hàng trăm năm, chứ không nên cuốn theo trào lưu “cao ốc” để rồi sớm phải bị thay đổi bởi các yếu tố bất lợi về công năng, vận hành...
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bộ máy hành chính công liên quan đến xây dựng hoặc di dời trung tâm hành chính, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói: “Tôi nghĩ là nếu di dời trung tâm hành chính vừa xây dựng xong, lãnh đạo Đà Nẵng phải giải trình với Chính phủ. Di dời thì vị trí mới ở đâu, quy mô xây dựng thế nào, tòa nhà cũ dùng vào việc gì... bởi những công trình như thế đều xây từ tiền thuế của người dân”.
Tân Phú
|
Bình luận (0)