Không nên nâng chỉ tiêu giới hạn nợ công

18/10/2016 06:17 GMT+7

Tổng nhu cầu vay cho ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.191 nghìn tỉ đồng, bình quân khoảng 438 nghìn tỉ đồng/năm.

Tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ giai đoạn này vào khoảng 1.660 nghìn tỉ đồng. Năm 2020 có mức huy động cao nhất là 573 nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó nhu cầu vay mới của Chính phủ để trả một phần nợ gốc trong nước đến hạn khoảng 184 nghìn tỉ đồng.
Thắt chặt quản lý, sử dụng vốn vay


Năm 2016 dự báo tăng trưởng 6,7% nhưng nhiều biến cố, đến thời điểm này Chính phủ đánh giá 6,3 - 6,5% nhưng qua thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì 6,3 - 6,5% vẫn còn hồi hộp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Đó là dự báo được Chính phủ đưa ra trong báo cáo về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công 2016 - 2020 được trình ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp hôm qua (17.10). Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thảo luận về các vấn đề KT-XH, ngân sách nhà nước (NSNN)... được nêu trong các báo cáo mà Chính phủ trình. Trong thời gian tới, huy động vốn cho nhu cầu cân đối NSNN và đầu tư phát triển tiếp tục chú trọng vào phát hành trái phiếu chính phủ trong nước, đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá khả năng huy động vốn trong giai đoạn tới vẫn nhiều khó khăn, thách thức.
Căn cứ vào tình hình nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ bảo lãnh vay nước ngoài của Chính phủ theo phương án điều chỉnh nêu trên để đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP, dự kiến hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả tối đa là 5.500 triệu USD/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo về mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công 2016 - 2020 của Chính phủ đến cuối 2015, nợ công ở mức 62,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP. Các mức nợ này theo Chính phủ, về cơ bản phù hợp với mục tiêu chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia. Ngoài ra, còn phát sinh một số khoản nợ trong quá trình điều hành NSNN nhưng chưa bố trí nguồn trả nợ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Đức Hải bày tỏ không đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ/GDP từ mức 50% hiện nay lên mức trần 55%. Theo ông Hải, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng trong bối cảnh NSNN còn nhiều khó khăn, an ninh tài chính quốc gia chưa thực sự vững chắc, cần duy trì ngưỡng an toàn nợ công như giai đoạn 2011 - 2015 (nợ công so với GDP là 65%, nợ Chính phủ/ GDP là 50% nợ nước ngoài của quốc gia) và thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn vay.
Theo Ủy ban TC-NS, đối với chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP có thể cân nhắc quy định ngưỡng tối đa là 53%, song đến năm 2020 đề nghị đưa về mức giới hạn 50%. Đồng thời, Ủy ban TC-NS đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành khi để tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP giai đoạn 2011 - 2015 vượt mức trần đã được Quốc hội quyết định.
Cả nhiệm kỳ dự báo không đúng
Đây là ý kiến được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ra tại phiên họp sáng 17.10. Theo ông Dũng, dự kiến đầu tư công trong giai đoạn tới chỉ nên mang tính định hướng chứ không thể chia cứng các khoản thu dự kiến cho các dự án đầu tư vì công tác dự báo hầu như không chính xác.
Dẫn chứng chỉ tiêu GDP đặt ra trong Đại hội 11 là 7 - 7,5%, sau đó đầu năm 2011 điều chỉnh lại là 6,5 - 7%, hằng năm có nghị quyết nhưng GDP 5 năm vừa qua cộng lại có 5,91%. Trong khi đó cân đối về chi gần như bám sát 6,5 - 7%. “Năm 2016 dự báo tăng trưởng 6,7% nhưng nhiều biến cố, đến thời điểm này Chính phủ đánh giá 6,3 - 6,5% nhưng qua thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban TC-NS thì 6,3 - 6,5% vẫn còn hồi hộp. Thời điểm này là tháng 10 rồi nhưng dự báo sang năm 6,5 - 6,7% cũng vẫn hồi hộp. Để dự báo chắc chắn số thu 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 mà theo dự báo kinh tế như thế, rủi ro, giá dầu... thì khó đảm bảo chỉ tiêu 6,75% cũng như giá trị GDP 5 năm là hơn 28 triệu nghìn tỉ...”, ông Dũng nói và cho rằng: “Nếu chia thẳng thì 5 năm sau không lường hết hậu quả. Không khéo nợ đọng còn lớn hơn, dàn trải lớn hơn bây giờ”.
Trước đó tại báo cáo KT-XH năm 2016 do Chính phủ trình để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khai mạc ngày 20.10 tới đây, Chính phủ cho rằng tính chung từ tháng 1 - 9, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng đã cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (5,52%). Chính phủ cho rằng tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 6,3 - 6,5% (thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao 6,7%).
Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đánh giá tốc độ tăng GDP không đạt kế hoạch mà báo cáo của Chính phủ chủ yếu đề cập đến những nguyên nhân khách quan, chưa phân tích rõ về những nguyên nhân chủ quan. Theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, những dự báo về những yếu tố tác động để GDP quý 4 tăng cao hơn là vốn đầu tư phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao... thì hầu hết là chưa chắc chắn, chưa được định lượng cụ thể. Vì vậy, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho rằng kết quả ước thực hiện cả năm GDP tăng 6,3 - 6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được.
“Chính phủ phải trình dự án đường cao tốc bắc - nam để Quốc hội xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư”. Đây là quan điểm của Ủy ban TC-NS khi thẩm tra báo cáo về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua. Theo Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải, tờ trình về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ có đề cập tới dự án làm hơn 1.300 km cao tốc bắc - nam. Cơ quan thẩm tra cho rằng đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động đến nhiều vùng, miền. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư tuyến đường này cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế và dự án này Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.