Không nên tạo thêm áp lực với giáo viên

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
30/01/2024 05:00 GMT+7

Nhiều bạn đọc không đồng tình với dự kiến quy định nhà giáo phải có chứng nhận nghề nghiệp, cho rằng quy định này nếu áp dụng sẽ tạo thêm áp lực với giáo viên.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 23.1, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), đã trao đổi với PV Thanh Niên giải thích về sự cần thiết và tác động của việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo (viết tắt là GCN). Ông Đức nhấn mạnh quy định cấp GCN trong nội dung dự kiến đưa vào khi xây dựng luật Nhà giáo (NG) để xin ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tiếp thu.

Ông Đức nêu những bất cập hiện nay liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của NG. Cụ thể, tại các cơ sở giáo dục công lập, NG cần phải được công nhận hết tập sự và có quyết định tuyển dụng. Khi thuyên chuyển đến cơ sở giáo dục khác thì các quyết định đó không có giá trị sử dụng, gây nhiều khó khăn. Mặt khác, trong quá trình phát triển chuyên môn nghiệp vụ thì NG phải được đánh giá và cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thủ tục này chưa thật sự hợp lý.

Không nên tạo thêm áp lực với giáo viên- Ảnh 1.

Nhiều bạn đọc tỏ ra lo ngại giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ là một loại "giấy phép con" gây áp lực không cần thiết cho giáo viên

NGỌC THẮNG

Tại cơ sở giáo dục ngoài công lập, NG không được đánh giá để công nhận hết tập sự và xác nhận thăng tiến về năng lực hoạt động giáo dục, chuyên môn, nghiệp vụ làm căn cứ cho việc bảo đảm các chế độ chính sách. Việc này gây bất bình đẳng giữa NG công lập và ngoài công lập, kể cả trong cùng một cơ sở giáo dục ngoài công lập; đồng thời gây khó khăn cho việc trao đổi giữa 2 cơ sở.

Ông Đức phân tích thêm, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc trao đổi NG giữa VN và các nước khác ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hiện nay đang có khoảng cách nhất định giữa trình độ đầu ra của các trường đào tạo NG với các yêu cầu kỹ năng, năng lực thực tế. Vì vậy, việc không có GCN thường gây khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng NG khi trao đổi, kể cả NG là người VN ra nước ngoài và người nước ngoài vào VN.

Ông Đức nhấn mạnh: "GCN là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của VN cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Qua đó, xác nhận họ đáp ứng đủ các yêu cầu hoạt động nghề nghiệp (giảng dạy, giáo dục), khắc phục được những bất cập nêu trên".

"Giấy phép con"?

Nhận định về ý kiến NG sẽ phải có GCN, bạn đọc (BĐ) Mai Quang Hiển bày tỏ: "Sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp ĐH sư phạm là đã được chứng nhận năng lực dạy học. Chưa kể, họ phải qua kỳ thi tuyển công chức để được vào dạy trường công, đây là bước thứ hai. Các kỳ đánh giá xếp loại năm học là kỳ thứ n cho tư cách dạy học của họ. Xin đừng "đẻ" thêm cái gọi là "giấy phép con" nữa ạ".

Cùng quan điểm, BĐ quanghuyvp10 viết: "Không khác gì một loại "giấy phép con"… Hãy lắng nghe những chia sẻ của NG để có giải pháp phù hợp hơn".

Trong khi đó, BĐ hQYsv chia sẻ: "Tôi là NG và công tác trong ngành GD-ĐT 28 năm. Tôi vừa lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tốn 1,5 triệu đồng. Đồng nghiệp của tôi trước đây phải tốn 2,9 triệu đồng cho chứng chỉ này. Giờ nghe tin sắp phải lấy GCN nữa thì tôi thật sự ngao ngán". Còn BĐ Khiem Ngo Dinh, một NG đã về hưu, viết: "Tâm trạng của tôi sau khi về hưu là thở phào nhẹ nhõm, vì đã thoát khỏi những cửa ải nhiêu khê của cơ chế giấy tờ trong nhà trường. Nay nghe tin NG phải có GCN mà hãi quá. Tôi cứ nghĩ các thế hệ NG sau tôi chắc đỡ khổ hơn...".

"Mới nghe đến GCN là nhiều người đã thấy lo lắng rồi, có nên không? Theo tôi, điều quan trọng nhất bây giờ là quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách để NG yên tâm gắn bó với nghề dạy học. Đừng gây thêm áp lực đối với NG, vì họ đã chịu nhiều áp lực rồi", BĐ Tuan Le ý kiến.

Cơ hội cho nhiều người?

Một số BĐ khác tỏ ra dè dặt với ý kiến NG sẽ phải có GCN. BĐ Tran Minh Tuan góp ý: "Chúng ta nên bàn thật kỹ trước khi thực hiện. Việc này nên lấy ý kiến rộng rãi chứ không nên chỉ lấy ý kiến ở một số bộ phận". BĐ T.Đ.B thì thắc mắc: "Nếu có GCN này thì mức lương GV có cải thiện hơn không? Khi trao đổi GV giữa khối công lập và dân lập thì mức lương có thay đổi không, có xây dựng định mức không? Việc quản lý, số hóa GCN này như thế nào?".

BĐ Bao Ngoc lại có ý kiến khác khi cho rằng: "Như vậy có thể hiểu nôm na GCN này là GCN năng lực đủ khả năng dạy học, bất kể anh đã tốt nghiệp trường nào, ngành nào, hạng nào trước đây. Chung quy điểm tích cực duy nhất và cũng là mấu chốt để loại giấy này tồn tại là nó đánh giá năng lực thay vì xuất phát điểm của một người xin việc. Nếu thực sự làm tốt thì GCN này rất hay, bởi nó sẽ giúp cho người tốt nghiệp ĐH tại chức, dân lập, công lập, trường top, ngành sư phạm hay ngành không phải sư phạm, hạng tốt nghiệp xuất sắc, giỏi, hay trung bình... đều có cơ hội tuyển dụng và làm việc như nhau, tất cả giờ chỉ còn là năng lực thực tế".

* Lại là "giấy phép con". Có GCN thì chất lượng giảng dạy có được nâng cao?

nghia.physics@gmail.com

* Nâng cao chất lượng đầu ra của các trường sư phạm, nếu cần thì tổ chức cho sinh viên sư phạm tập sự trước khi ra trường. Như vậy là đủ để cấp chứng chỉ hành nghề.

Duc Le Hong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.