Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết: Sáng nay, tâm áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông cách bờ biển miền trung Philippines khoảng 290 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo đến 7 giờ ngày 30.12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 420 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9. Sau đó có thể mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 31.12, vị trí tâm bão ngay phía nam đảo Song Tử Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan, cho biết thêm: Diễn biến của cơn bão này rất phức tạp, ngay cả các mô hình dự báo bão của Mỹ cũng cập nhật và thay đổi liên tục các kịch bản khác nhau về hướng di chuyển của tâm bão. Nguyên nhân chính vì hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng của nó phụ thuộc vào ảnh hưởng của không khí lạnh phía bắc tràn xuống.
|
Tuy nhiên, nhiều khả năng vào ngày 1.1, vùng tâm bão ở ngoài khơi đảo Phú Quý, cách bờ biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 250 - 300 km. Đến chiều tối 2.1, sẽ đi qua Mũi Cà Mau và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào vịnh Thái Lan. Trong ngày 2-3.1, vùng biển khu vực các đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du… sẽ có mưa dông, lốc xoáy và gió giật rất mạnh khoảng 15 m/giây - tương đương sức gió mạnh cấp 7.
tin liên quan
Biển Đông sắp đón bão dị thườngTừ ngày 29.12, ở vùng biển ngoài khơi Trung bộ, Nam bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Khu vực giữa Biển Đông từ khoảng đêm 29.12 do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão nên gió mạnh dần lên cấp 7, gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.
“Trong dịp Tết Tây năm nay người dân không nên tham gia các loại hình du lịch trên biển, tàu bè du lịch trên biển không nên hoạt động để đảm bảo an toàn vì biển động trên cả nước”, bà Lan khuyến cáo. Bên cạnh đó, ngư dân cũng không nên ra khơi trong những ngày tới và cần theo dõi sát các diễn biến thời tiết tiếp theo.
Theo bà Lan, trên đất liền khu vực Nam bộ vào ngày cuối năm và đêm giao thừa thời tiết vẫn còn đẹp. Sau đó đến ngày 2.1, do ảnh hưởng của bão nên mưa sẽ bao trùm cả Nam bộ. Đặc biệt vùng bán đảo Cà Mau gồm các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau sẽ có mưa lớn và gió giật mạnh do ảnh hưởng của bão (có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới).
Bình luận (0)