Theo Bộ LĐ-TB-XH, sau 4 năm triển khai thực hiện, những quy định của Nghị định 85/2015/NĐ-CP về chính sách đối với lao động nữ đã phát sinh một số vấn đề bất cập, như: một số quy định bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới tuy hợp lý, nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là các quy định về cơ chế, nguồn lực thực thi (như chính sách ưu đãi về thuế, việc xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động cho lao động nữ...). Đáng chú ý, hiện vẫn chưa có quy định chi tiết về phòng, chống quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc.
Để thực thi các quy định mới của bộ luật Lao động 2019, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng việc ban hành Nghị định quy định chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới là hết sức cần thiết. Theo đó, ban soạn thảo đã quy định 3 điều về các biện pháp phòng, chống QRTD tại nơi làm việc, gồm: quy định cụ thể hơn khái niệm về hành vi QRTD tại nơi làm việc; quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc xây dựng quy định về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc; xây dựng môi trường làm việc không QRTD.
Dự thảo yêu cầu người sử dụng lao động phải quy định về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc trong nội quy lao động, gồm các nội dung sau: nghiêm cấm hành vi QRTD tại nơi làm việc; bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị QRTD, người tố cáo và người bị tố cáo; có hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi QRTD hoặc người tố cáo sai sự thật… Nội dung này phải được quy định thành văn bản riêng hoặc phụ lục đính kèm của nội quy lao động.
Người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống QRTD tại nơi làm việc cho người lao động. Khi xuất hiện việc khiếu nại, tố cáo về hành vi QRTD tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn hành vi này và có biện pháp nhằm bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân, người tố cáo và người bị tố cáo; đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu như có tố cáo về hành vi QRTD tại nơi làm việc mà không tiến hành ngăn chặn, xử lý.
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ như: nghỉ đi khám thai; nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh; nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Bình luận (0)