Tự bào chữa trước toà chiều 23.12, bị cáo Lê Xuân Giang (Giám đốc Công ty CP Liên Kết Việt) “xin nhận” tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng xin giảm nhẹ mức án, với các lý do:
Thứ nhất, bị cáo cho rằng, ban đầu thành lập công ty đã xác định làm ăn chân chính, đã chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý. Trong quá trình điều tra, bị cáo thành khẩn khai báo, đã nộp lại toàn bộ số tiền chiếm giữ và tài sản để khắc phục với bị hại.
“Sáng nay, đại diện cho các bị hại cũng đã xin toà xem xét giảm nhẹ cho 7 anh em chúng tôi. Rất mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét động cơ cũng như quá trình phạm tội của tôi. Không phải tự một mình tôi gây nên tội lỗi này mà do đa cấp nó biến tướng. Tôi chỉ lãnh đạo 7 người ở công ty, còn ở dưới là tự phát, như vết dầu loang, tam sao thất bản, làm sai bản chất của đa cấp, dẫn đến tôi phạm tội nặng như vậy”, bị cáo Lê Xuân Giang nói.
Thêm vào đó, bị cáo nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục hậu quả bằng việc huy động người thân, vay mượn, để trả lại một phần tiền cho người bị hại. Bị cáo xin lỗi người bị hại và cho rằng để xảy ra hậu quả này là lỗi của hai bên, cả bị cáo và những người bị hại, do trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế, tin người, tham lợi… dẫn đến bị cáo mắc tội rất lớn.
Bị cáo tha thiết mong HĐXX “lượng hình”, cho bị cáo yên tâm cải tạo để sớm về phụng dưỡng mẹ già trên 80 tuổi và con đang bệnh tật.
Bị cáo Nguyễn Thị Thuỷ (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP Liên Kết Việt) bào chữa ngắn gọn, cho rằng mình không biết là công ty lừa đảo, chỉ vô tình làm việc cho công ty, hôm nay bị cáo đã nhận thức là mình có tội, nhưng không có gì để nói, để cho luật sư nói.
Bị cáo Lê Văn Tú (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Liên Kết Việt) thì cho biết, đến khi đứng trước toà mới biết bị cáo Lê Xuân Giang đã làm hồ sơ gửi Sở Công thương Hà Nội bổ nhiệm bị cáo làm tổng giám đốc, còn mấy năm bị tạm giam trước đó vẫn không hề biết.
“Mức án 20 năm mà VKS đề nghị là rất nặng và nghiêm khắc với bị cáo. Bị cáo cũng chỉ giúp một số việc, anh Giang nói là tạo công ăn việc làm cho mọi người, bị cáo cũng cố gắng để phát triển sản xuất thôi”, bị cáo Tú tự bào chữa.
Các bị cáo Trịnh Xuân Sáng, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung đều cho rằng mình vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật, mức án được đề nghị là nặng, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ.
Trong buổi chiều 23.12, các luật sư tiếp tục bào chữa cho các bị cáo. Luật sư của bị cáo Lê Xuân Giang dùng nhiều lập luận để cho rằng trách nhiệm thuộc về bị cáo Nguyễn Thị Thuỷ, đồng thời bào chữa cho hành vi giả danh quân nhân, sử dụng trang phục quân đội tổ chức rầm rộ các sự kiện làm cho bị hại tưởng nhầm Giang là người của quân đội, hiểu nhầm Công ty CP Liên Kết Việt là công ty của Bộ Quốc phòng; làm giả bằng khen của Thủ tướng… của Lê Xuân Giang.
Theo luật sư, trong các sự kiện, Công ty CP Liên Kết Việt có mời cán bộ quân đội nghỉ hưu tham gia hội thảo, yêu cầu mặc trang phục trang nghiêm. Việc MC dùng chức danh sĩ quan giới thiệu, người thuộc pháo binh, người thuộc bộ tổng tham mưu… thì người tham gia phải hiểu đây là những người công tác ở nhiều đơn vị khác nhau đã nghỉ hưu chứ không phải cùng một đơn vị quân đội!
Khi ra khỏi quân đội, Lê Xuân Giang mang cấp hàm trung uý, có sử dụng trang phục quân đội tham gia sự kiện nhưng không sử dụng cấp hàm, mà chỉ dùng cầu vai trơn, chứ không có ý định lừa đảo, theo luật sư.
Về việc làm giả bằng khen của Thủ tướng, luật sư cho rằng bản thân bị cáo Giang không biết được quy trình, thủ tục để được cấp bằng khen, do có quan hệ với nhà sư Út, người này giới thiệu là đồng hương, nói là có quan hệ với Thủ tướng, nếu cần gì thì nhờ Thủ tướng giúp, nên mới nhờ lấy bằng khen chứ không có ý định làm giả để lừa đảo.
Trong lúc luật sư của bị cáo Giang bào chữa, chủ toạ phiên toà là thẩm phán Trần Nam Hà đã ngắt lời và lưu ý luật sư bảo vệ thân chủ của mình nhưng không để ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo khác.
Kết thúc phần bào chữa của luật sư, thẩm phán Hà một lần nữa nhắc lại, luật sư bào chữa cho Lê Xuân Giang đa phần là buộc tội bị cáo Thuỷ, HĐXX lưu ý các luật sư khác về việc này.
Bình luận (0)