(TNO) Các xét nghiệm đều cho kết quả bé trai 6 tuổi nhiễm amip “ăn não người” và tử vong, bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM, khẳng định vào chiều nay (20.9).
>> Vụ amip "ăn não người": Chưa xác định nguồn bệnh ca tử vong thứ hai
Bệnh nhi nam L.T.T. (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) nhập viện Bệnh viện Quận 6 (TP.HCM) vào trưa ngày 12.8, trong tình trạng tím tái, đã ngưng tim, ngưng thở.
Theo điều tra bệnh sử, bệnh nhi sinh non (khi mới 8 tháng, với cân nặng 2 kg), bị xuất huyết não sau sinh. Vào năm 2010, bệnh nhi gãy xương đùi nên bị liệt nằm một chỗ ở nhà hơn 1 năm nay. Ngoài ra, bé còn bị chậm phát triển tâm thần vận động, là di chứng xuất huyết não sau sinh.
Bé không ở chung với ba mẹ mà được giao hẳn cho gia đình bà vú nuôi chăm sóc.
Được biết, một tuần trước khi nhập viện, bé thường đập đầu xuống nền gạch, không ói. Hai ngày trước khi nhập viện, bé sốt cao và được uống thuốc hạ sốt.
Theo lời người thường chăm sóc bé, bé vẫn ăn cháo, uống nước đun sôi để nguội từ nguồn nước máy thủy cục thành phố. Nước được chứa trong bồn nhựa.
Đồng thời, bé cũng không hề bị sặc nước trước khi phát bệnh.
Để làm rõ nguyên nhân tử vong của bé, Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM đã giải phẫu tử thi và phát hiện bé bị áp-xe não bên trái.
Sau đó, mô não của bệnh nhi đã được trung tâm gửi đi đến các phòng xét nghiệm kiểm định. Đến hôm nay, tất cả các kết quả xét nghiệm đều khẳng định bệnh nhi L.T.T. nhiễm amip Naegleria flowery (amip “ăn não người”).
Trước đó, ngày 18.9, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Thanh Dương xác nhận đây là ca thứ hai bị amip “ăn não người” Naegleria Fowleri được ghi nhận tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày 19.9, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vẫn chưa khẳng định trường hợp này tử vong do amip “ăn não người” vì bệnh nhân có nhiều bệnh nền phức tạp, đồng thời chưa đủ các yếu tố bệnh cảnh, triệu chứng lâm sàng và vẫn chờ nhiều kết quả xét nghiệm chuyên sâu để đối chiếu.
Đặc biệt, theo các nghiên cứu y khoa, amip "ăn não người" sống trong môi trường nước và theo nước xâm nhập vào cơ thể người, lên não qua đường mũi hoặc vòm họng. Việc bệnh nhân không hề bơi lội tiếp xúc với nước ở hồ, ao, sông, suối, cũng như không bị sặc nước đặt ra câu hỏi lớn cho các cơ quan y tế về nguồn bệnh và con đường amip “ăn não người” xâm nhập vào cơ thể bệnh nhân.
Ca tử vong do amip “ăn não người” đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam là bệnh nhân nam (25 tuổi, quê Phú Yên), trước đó người này có lặn mò trai trong một bàu nước ở địa phương.
Viên An
>> Đã có 2 trường hợp tử vong do amip "ăn não người
>> Thêm một trường hợp tử vong nghi do amip "ăn não người"?
>> Phòng amip ăn não người
>> Xuất hiện amip "ăn não người" ở Việt Nam
Bình luận (0)