Không tăng vốn, ngân hàng 'đừng mơ' tốp 100

Anh Vũ
Anh Vũ
12/04/2019 07:37 GMT+7

Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, tăng vốn là điều vô cùng cấp thiết.

Đó là kiến nghị của lãnh đạo các tổ chức tín dụng tham gia hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng VN đến năm 2025, định hướng 2030 và chương trình hành động của ngành ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 11.4.

Áp lực tăng vốn vô cùng cấp thiết

Theo Quyết định 986/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng (NH) VN đến năm 2025, định hướng đến 2030”, đến cuối năm 2025 phấn đấu có ít nhất từ 2 - 3 NH thương mại nằm trong tốp 100 NH lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3 - 5 NH niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Các NH tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập lên khoảng 16 - 17%; nợ xấu của toàn hệ thống dưới 3%...
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh lưu ý đây là kim chỉ nam để các NH bám sát, xây dựng chiến lược. Riêng nhóm NH thương mại, mục tiêu giai đoạn đầu phải xử lý triệt để nợ xấu theo cơ chế phù hợp thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định hệ thống. Năm 2020, có ít nhất 12 - 15 NH áp dụng thành công Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, có các nguyên tắc, chuẩn mực về giám sát NH) theo phương pháp tiêu chuẩn.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank, cho biết NH này đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tổng tài sản 100 tỉ USD, lợi nhuận 1,5 tỉ USD và nằm trong tốp đầu của khu vực. Hiện Vietcombank đã chuyển dịch trụ cột kinh doanh từ lĩnh vực tín dụng sang phi tín dụng. Trong đó, tập trung vào bán lẻ, đầu tư và kinh doanh vốn. Đến năm 2025 sẽ đạt 40% tổng thu nhập từ hoạt động phi tín dụng, trong đó 30% là dịch vụ. Vietcombank cũng sớm áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn và sẽ áp dụng Basel II nâng cao sớm trước 3 - 4 năm vào năm 2021.
Tuy nhiên, nếu Vietcombank không được tăng vốn điều lệ sẽ khó thực hiện mục tiêu. Bởi chỉ có tăng vốn mới có thể mở rộng quy mô tín dụng, tổng tài sản và lợi nhuận. “Vừa qua, chúng tôi cũng tham dự cuộc họp với Thủ tướng về vấn đề tăng vốn đối với 4 NH thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank) song vẫn đang chờ giải quyết. Chúng tôi mong muốn được tăng vốn vì vấn đề vô cùng cấp thiết, đặc biệt đặt trong bối cảnh hội nhập, cam kết quốc tế”, ông Thành nói và đề nghị Chính phủ cho phép NH được trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt; cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại tích lũy. Đồng thời, tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các NH thương mại.
Năm 2018, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VietinBank đạt 6.730 tỉ đồng, giảm 2.476 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước (tương đương 27%) và chỉ cao hơn 0,6% so với kế hoạch đã điều chỉnh (6.700 tỉ đồng). Nguyên nhân do VietinBank phải điều hành giảm quy mô tín dụng vì chưa được duyệt phương án tăng vốn. Điều này làm ảnh hưởng đến thu nhập từ lãi thuần của NH.
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ chia sẻ, với VietinBank, tăng vốn là điều đặc biệt cấp bách. Hiện nay, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng. Do đó, trước mắt VietinBank đề nghị được chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 - 2020, và bố trí nguồn vốn để tăng vốn điều lệ.

Dỡ bỏ dần biện pháp hành chính về lãi suất

Liên quan chiến lược điều hành chính sách tiền tệ, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết định hướng từ nay đến 2025, NHNN kiên định ổn định lạm phát, giữ giá trị đồng tiền và hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Theo đó, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa. Đặc biệt, lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. NHNN dùng công cụ gián tiếp, tiến tới dỡ bỏ dần các biện pháp hành chính về lãi suất khi điều kiện cho phép.
Trước đó, theo báo cáo trong khi lãi suất của nhiều nước tăng lên, lãi suất VND được duy trì ổn định, thậm chí đã có giảm ở các lĩnh vực ưu tiên. Tính đến nay, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm ngắn hạn và 9 - 11%/năm đối với trung hạn.
Đối với tín dụng, NHNN tập trung dòng tiền vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và ngành, nghề được ưu tiên. Cho vay ngoại tệ sẽ chuyển dần từ quan hệ huy động vốn và cho vay sang mua - bán để đảm bảo thanh khoản và tăng dự trữ ngoại hối. Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ, để chậm nhất đến 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Kết luận hội nghị, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết sẽ tiếp thu các kiến nghị của NH để báo cáo lên Thống đốc và Chính phủ. Song, các đơn vị cần quán triệt đầy đủ mục tiêu, giải pháp của chiến lược phát triển ngành NH. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể theo các mục tiêu, giải pháp đã đề ra và đảm bảo đúng lộ trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.