Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ về việc đặt mua hệ thống phòng thủ tên lửa FD-200 với tổng trị giá 4 tỉ USD từ Tập đoàn xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc (CPMIEC) đã khiến Mỹ và NATO ngần ngại.
Mỹ và NATO có nhiều lý do và lợi ích để cản phá phi vụ buôn bán vũ khí lớn này. Trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hiện triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ, Đức và Hà Lan đảm trách, đủ để bảo vệ đồng minh. Do vậy, họ không thể không thấy khó hiểu với quyết định của Ankara. Đương nhiên họ muốn giành đơn hàng lớn này về cho các tập đoàn công nghiệp quân sự của mình. CPMIEC lại là hãng bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì làm ăn với Iran, Triều Tiên và Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hàng Trung Quốc chứ không đặt hàng trong NATO vì giá rẻ hơn. Nhưng chủ yếu, có lẽ vì Ankara không chỉ muốn sử dụng, mà còn muốn được chuyển giao công nghệ để tự chế tạo vũ khí hiện đại, mà việc ấy hiện chỉ thấy Trung Quốc sẵn sàng chứ NATO thì không. Dù mua được hay không, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nâng cao được vị thế trong NATO. Nhưng cũng nhờ đó mà có thể thấy rõ quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO hiện không được êm thắm.
Trung Quốc được lợi nhất trong phi vụ này. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh được một thành viên NATO đặt mua thiết bị quân sự. Nó quảng cáo vô cùng công hiệu cho nền công nghiệp quân sự Trung Quốc, vốn đang phát triển rất mạnh. Nếu suôn sẻ thì Trung Quốc lợi về kinh tế và chen chân vào thị trường mới. Còn nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc phải hủy đặt hàng thì Trung Quốc cũng đã nổi danh rồi.
La Phù
>> Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc
>> Mỹ lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay Trung Quốc sản xuất tên lửa
>> Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trực thăng quân sự Syria
>> Thổ Nhĩ Kỳ điều chiến đấu cơ sau vụ nổ lớn ở biên giới với Syria
>> Thổ Nhĩ Kỳ cam kết tham gia tấn công Syria
Bình luận (0)