Không thể bỏ quên 'chiết trừ gia cảnh'

Thanh Xuân
Thanh Xuân
01/02/2018 06:42 GMT+7

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần thuế kế toán luật Việt Á, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai sau khi đọc bản dự thảo sửa đổi luật Thuế TNCN.

Theo ông Tuấn, quy định chiết trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc áp dụng từ năm 2013. Đến nay chi phí sinh hoạt của người dân tăng lên nhiều mà Bộ Tài chính lại không đề cập đến việc điều chỉnh chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế.
Nhìn vào lạm phát sẽ thấy rõ sự “lạc hậu” của mức chiết trừ gia cảnh. Cụ thể, lạm phát từ năm 2013 đến 2017 đã tăng 16,75% mà mức chiết trừ gia cảnh của người nộp thuế vẫn không thay đổi. Trong khi luật Thuế TNCN năm 2013 quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”. Nếu tính thêm chỉ số CPI dự kiến năm 2018 vào thì khả năng chỉ số CPI từ năm 2013 đến 2018 lên khoảng 20%. Chính vì vậy, nếu trong dự thảo luật Thuế TNCN lần này không đưa mức chiết trừ gia cảnh vào thì khả năng luật Thuế TNCN sẽ tiếp tục có thay đổi ngay sau khi vừa có hiệu lực vào ngày 1.1.2019.
Một cơ sở khác khiến ban soạn thảo luật cần đưa nội dung thay đổi chiết trừ gia cảnh vào dự thảo lần này đó là mức lương tối thiểu đã tăng lên rất nhiều trong những năm qua. Mức lương tối thiểu dùng làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương trong điều kiện lao động bình thường.
Chính phủ hằng năm điều chỉnh tăng lương tối thiểu để đảm bảo đời sống người lao động. Từ ngày 1.1.2018, mức lương tối thiểu mới tiếp tục tăng lên. So với mức lương tối thiểu năm 2013, mức lương vùng 1 hiện nay tăng 1,63 triệu đồng, tương ứng mức tăng 69,74%, lên 3,98 triệu đồng; vùng 2 tăng 1,43 triệu đồng, tương ứng 68%, lên 3,53 triệu đồng; vùng 3 tăng 1,29 triệu đồng, tương ứng 71,66%, lên 3,09 triệu đồng; vùng 4 tăng 1,11 triệu đồng, tương ứng 67,27%, lên 2,76 triệu đồng. Như vậy, thu nhập của người nộp thuế làm việc lâu năm cũng đã tăng lên nhưng mức chiết trừ gia cảnh trở nên “lạc hậu”, đồng nghĩa người nộp thuế nhiều hơn.
Để đảm bảo sự công bằng cho người nộp thuế ở các vùng miền, ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, kiến nghị: “Mức giảm trừ gia cảnh tính theo mức lương tối thiểu vùng sẽ làm giảm đi mức trượt giá và đắt đỏ của vùng miền. Cụ thể, giảm trừ bản thân người nộp thuế 3 lần mức lương tối thiểu của vùng 1 và vùng 2; 3,2 lần cho vùng 2 và 3,5 lần cho vùng 4. Người phụ thuộc giảm trừ bằng 40% người nộp thuế như tỷ lệ đang áp dụng hiện nay”.
Theo ông Tuấn, sự thay đổi này chưa có tiền lệ đối với thuế TNCN và có điểm hay là luật Thuế TNCN sẽ không cần phải thay đổi phần chiết trừ gia cảnh vào những năm sau. Dù rằng quy định này có thể dẫn đến tình trạng “lách” luật trong trường hợp công ty có nhiều địa bàn kinh doanh hoạt động khác nhau, người lao động luân chuyển công việc giữa các vùng để hưởng mức chiết trừ gia cảnh cao hơn nhưng vẫn có thể thực hiện khi quy định trách nhiệm cho công ty chi trả thu nhập.
Riêng ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, kiến nghị thay vì quy định một số chiết trừ gia cảnh cố định như 4 triệu đồng hay 9 triệu đồng như thời gian qua, ban soạn thảo có thể nghiên cứu quy định mức chiết trừ gia cảnh theo tỷ lệ phần trăm dựa trên lương tối thiểu hay trên thu nhập chịu thuế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.