Trong 2 ngày (từ 12 - 13.6), Báo điện tử VOV (Đài tiếng nói Việt Nam) liên tục bị tấn công DDOS (từ chối dịch vụ), thậm chí một số kẻ còn kích động, tạo các tài khoản ảo để tấn công nhiều nền tảng của VOV như Fanpage của báo; gửi email, gọi điện xúc phạm, đe dọa, thóa mạ... các nhân vật đã trả lời phỏng vấn, xúc phạm PV là tác giả một bài viết được đăng trên báo này. Liên quan đến vụ việc này, một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an (A05) xác nhận với Thanh Niên đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc điều tra làm rõ.
Hành vi phạm pháp
Từ vụ việc mới nhất liên quan đến các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên không gian mạng như trên, bạn đọc (BĐ) Phương Vân viết: “Tôi đã xem nhiều bài viết trên Báo Thanh Niên phản ánh về “dịch vụ” hack nick, tài khoản Facebook, website của cá nhân, doanh nghiệp... Tôi còn nhớ trong bài viết Thế giới “ngầm” trên mạng xã hội, Thanh Niên từng đề cập đến hiện tượng rao bán những “gói” dịch vụ trong các hội kín, quảng cáo rằng có thể đánh sập tài khoản Facebook, hack nick, “bóc phốt”; giúp “khách hàng” tiếp cận mục tiêu hiệu quả nhằm lan tỏa các thông tin sai sự thật, giật gân, chạy quảng cáo câu like, câu view...; đe dọa, xúc phạm, tấn công cá nhân... Thế nhưng, sự việc tấn công vào website của Báo điện tử VOV (thuộc Đài tiếng nói Việt Nam) và các nền tảng của báo điện tử này là một việc mà tôi cho rằng quá liều lĩnh và xem thường pháp luật. Điều này cho thấy hacker, các hội nhóm vì động cơ cá nhân, lợi ích kinh tế... sẵn sàng tấn công vào cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp..., gây mất an ninh, trật tự xã hội và xâm phạm đến lợi ích của cá nhân, tổ chức”.
Ngoài những mối nguy mà BĐ Phương Vân nêu, BĐ Trọng Nguyễn cũng cho rằng có tình trạng mạng xã hội đã bị những kẻ xấu lợi dụng để trục lợi. Còn BĐ Trọng Nguyễn đề nghị: “Môi trường mạng xã hội cần được chấn chỉnh ngay lập tức bởi các cơ quan chức năng. Không thể để một số cá nhân phát ngôn bất chấp, làm những việc vi phạm pháp luật như hiện nay”.
Ủng hộ Bộ Công an vào cuộc
Theo BĐ Trần Minh Thành, trong thời 4.0 hiện nay, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào mạng internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội để triển khai công việc thường nhật, bán hàng, giao tiếp nội bộ... Do vậy, việc bị tấn công, hack website, hack dữ liệu và công bố các dữ liệu cá nhân, công ty, doanh nghiệp... một cách bất hợp pháp là một “thảm họa”. Ở các nước mà trình độ công nghệ thông tin đã phát triển ở mức cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh..., cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp rất chú trọng phòng thủ với các hình thức tấn công mạng nhưng cũng có nhiều trường hợp trở thành nạn nhân, bị thiệt hại nặng nề. “Việc tìm ra những kẻ tấn công mạng, lợi dụng môi trường internet, mạng xã hội để xúc phạm, đe dọa... cá nhân, tổ chức ở Việt Nam cần được xem trọng trong thời gian tới. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần có một số vụ “án điểm”, áp dụng mức phạt nghiêm khắc đối với những kẻ coi thường pháp luật để răn đe chung cho loại tội phạm này”, BĐ này viết.
“Rất mong A05 - Bộ Công an và các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, xử lý thật nghiêm những đối tượng đã tấn công mạng Báo điện tử VOV, cũng như các hành vi lợi dụng mạng xã hội để đăng tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”, BĐ Trần Quý Thủy đề nghị.
Ngoài việc xử lý những hacker tấn công các website của cá nhân, đơn vị, tổ chức..., mong pháp luật xử thật nghiêm khắc hacker rình mò đời tư người khác, xem thường pháp luật. Mong được thấy sự nghiêm khắc của pháp luật.
T.Đ.B
Hacker thường lợi dụng tính ẩn danh trên internet nói chung, mạng xã hội nói riêng để tung ra những “chiêu bẩn”. Tìm ra những kẻ đứng sau chắc chắn không thể một sớm một chiều, nhưng tôi tin rằng lực lượng chức năng cuối cùng cũng sẽ buộc những kẻ đeo “mặt nạ” phải lộ diện để đứng trước tòa nhận lấy những bản án thích đáng.
P.S.G
|
Bình luận (0)