Không thể có giá tôm hùm 160.000 đồng/kg!

Nguyên Nga
Nguyên Nga
18/03/2020 06:59 GMT+7

Thông tin tôm hùm Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan giá 160.000 đồng/kg vẫn gây tranh cãi.

Ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, khẳng định không thể có giá tôm hùm 160.000 đồng/kg.

Giá tôm hùm xuất khẩu từ 650.000 đồng/kg

Theo ông Võ Khắc Én, hiện tôm hùm nuôi trong nước xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc, bằng đường tiểu ngạch. Có 3 tỉnh miền Trung đang nuôi tôm hùm là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Trong đó, nuôi nhiều nhất là tại đầm Ô Loan (Phú Yên), kế đó là Khánh Hòa, Bình Định. Khánh Hòa đang nuôi bằng khoảng 60% sản lượng tôm hùm nuôi tại Phú Yên. Mức giá bán ra để xuất khẩu đều “xêm xêm” nhau tại các địa phương.
Trước đó, thông tin từ Tổng cục Hải quan, giá tôm hùm xuất khẩu đi Thái Lan theo khai báo hải quan trung bình 160.000 đồng/kg, chỉ bằng 40% giá tôm hùm xuất khẩu đi Trung Quốc, cũng theo số liệu của hải quan. Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, có thể doanh nghiệp (DN) xuất khẩu khai giá thấp hoặc tôm hùm “dạt” đông lạnh loại cũ được xuất đi, hoặc hàng tạm nhập tái xuất.
“Làm gì có tôm hùm giá rẻ đến vậy? Thời gian nuôi đến trưởng thành đối với tôm hùm xanh là từ 8 tháng trở lên mới đạt 200 gr/con. Thời gian nuôi tôm hùm bông là từ 16 tháng trở lên. Quá trình nuôi cưng chăm bẵm, giá bán xuất khẩu ngày thường từ 650.000 - 700.000 đồng/kg. Trong mùa dịch, như hiện tại địa phương đang bị ứ đọng khoảng 300 tấn tôm hùm chờ xuất đi Trung Quốc, giá bán có thấp hơn, từ 550.000 đồng/kg.
Thế nên, không thể có tôm hùm trong nước xuất đi với giả rẻ “bèo” như vậy được”, ông Én khẳng định.
Ngoài ra, ông Võ Khắc Én cũng thông tin thêm, hiện việc xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch đã “lai rai” trở lại, nhưng hàng thương lái mua quá ít nên lượng hàng tồn vẫn còn cao. Một thương lái mua tầm 1 - 2 tấn mà số lượng đi mua cũng rất ít. Ông nói: “Mọi năm, 300 tấn tôm hùm DN mua xuất khẩu đi “cái một”, nhanh lắm. Nay phải giảm giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg còn chưa có người mua. Chung quy do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 thôi”.

Khai giá hàng xuất quá thấp là gian lận thương mại

Thông tin từ Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM), tôm hùm tạm nhập tái xuất không phát sinh tại đơn vị này. Một số đơn vị hải quan khác trong khu vực TP.HCM cũng cho hay, không có hiện tượng tôm hùm tạm nhập tái xuất đi Thái Lan. Riêng tôm hùm đỏ nhập khẩu vào VN và từng được cảnh báo tại Việt Nam, số liệu cập nhật từ cơ quan hải quan cũng không có phát sinh loại tôm này.
Như vậy, tôm hùm ở đâu xuất đi Thái Lan với giá rẻ bèo như vậy? Ông Nguyễn Lý Trường An, chuyên gia xuất nhập khẩu, cho rằng không tạm nhập tái xuất thì chỉ có thể là tôm từ trong nước. Có thể do khai báo của DN xuất khẩu. Giá thực xuất khẩu tôm hùm xưa nay chưa bao giờ thấp như vậy. Hiện tôm hùm Việt Nam xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch nên giá khai báo thường không rõ ràng, dẫn đến giá thấp hơn nhiều so với giá thực tế là đối với hàng đi đường biên với Trung Quốc, Campuchia… Sang Thái Lan phải qua cảng, nên giá thấp có thể do thỏa thuận giữa hai bên. Phía nhập khẩu muốn có giá thấp thì đề nghị bên xuất khẩu khai thấp để họ đóng thuế nhập khẩu thấp hơn. Đây cũng là hành vi tiếp tay cho gian lận thương mại. Còn với DN kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất, giả sử tạm nhập tái xuất tôm hùm chẳng hạn, giá khai báo lúc tái xuất được phép cao hơn giá nhập chứ không thể thấp hơn. Như vậy, trong xuất khẩu nói chung, việc khai giá thấp không phản ánh đúng doanh thu của DN trong nước và nhà nước không quản lý đúng số liệu thực về nguồn tiền thu từ xuất khẩu của DN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.