Năm 11 tuổi, tôi và đứa em gái học lớp 2 đi theo chiến dịch K8 (Kế hoạch 8, 9 là các kế hoạch đưa con em vùng chiến tranh ác liệt đi sơ tán để giữ “hạt giống”). Anh em tôi ra ở nhà ông Bùi Xuân Hy thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).
Thôn Thọ Đồn nằm bên bờ sông Mã cuồn cuộn chảy.
|
Một hôm đang tắm thì phát hiện ra thằng Kèo dưới tôi một tuổi bị nước cuốn, tôi và Thí (học trên tôi một lớp) bơi ra.
Thằng Kèo đang hoảng lọan nên vớ được ai là túm chặt, rất khó để gỡ ra. Nếu không cẩn thần thì chết chùm.
Tôi và Thí ngoi lên ra hiệu với nhau xong thì lặn xuống. Tôi dùng đầu thúc vào thằng Kèo một cái thì tránh ra để Thí thúc vào một cái. Cứ thế thay nhau ụi đẩy được Kèo lên khỏi mặt nước. Đến đó thì tôi túm tóc thằng Kèo vừa kéo vừa bơi, Thí hỗ trợ, mỗi khi Kèo cố vớ tôi thì Thí gạt tay nó ra.
Kèo được cứu.
Hai tuần sau, trước buổi chào cờ của Trường cấp II Vĩnh Yên nơi tôi đang học lớp 5 hệ 10, tôi được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Tất Đắc (lúc đó công an thuộc Bộ Nội vụ) gắn Huy hiệu Bác Hồ (một phần thưởng cao quý mà sau này sách giáo khoa ghi là được tặng huy hiệu của Người).
Không hiểu sao lúc đó Thí lại không được nhận (ai đề xuất tặng chúng tôi không biết, tôi cũng không làm báo cáo thành tích). Hồi đó vô tư nên Thí cũng vui cho tôi.
Chiếc huy hiệu này tôi giữ đến năm 2007 thì tặng lại cho anh Lê Đức Hùng (lúc đó đang là Phó văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung) làm bộ sưu tập huy hiệu. Anh Hùng đang sở hữu một bộ sưu tập huy hiệu “khủng” vào loại nhất nước.
*
Sau này, mỗi lần nghe học sinh đuối nước tôi lại nhớ chuyện này.
Cách đây 10 năm, tôi và anh Vĩnh Quyền (lúc đó là Trưởng văn phòng đại diện Báo Lao Động tại miền Trung) đến nhà bạn ảnh ở Huế. Chị này có đứa con du học ở nước ngoài, lúc đi tắm biển thì thấy người đuối nước, cháu bơi ra cứu và bị đuối.
Trong căn nhà ngập hoa hồng trắng, chị ấy đau buồn tột cùng vì mất đứa con trai tuấn tú nhưng cũng ấm ức về việc cảnh sát vùng đó phê bình con trai chị. Tôi nhớ không rõ nguyên văn phê bình nhưng đại để như là cứu hộ là công việc của người chuyên nghiệp còn mình thì chỉ là tác nhân thông báo chứ không nên trực tiếp. Không hiểu sao lúc đó tôi cũng ấm ức.
Nhưng rồi qua thời gian, đọc báo thấy nhiều trường hợp cứu bạn không được lại chết theo bạn, tôi đã nghĩ lại. Nghĩ rồi thấy áy náy với việc khen tặng, trao huy chương cho những học sinh cứu bạn rồi cùng chết với bạn.
Nếu không có kỹ năng cứu đuối thì hãy tìm cách khác, đừng liều lĩnh dù hành động đó cũng rất con người và rất dũng cảm.
Cô Dương Thị Thanh Huyền, giảng viên Đại học Nha Trang, chia sẻ: “Dân sông nước phải có kĩ năng nhất là khi cứu người đuối nước. Nếu ai đó bị đuối nước mà có người cứu, họ sẽ tìm cách túm chặt lấy mình để nổi lên. Nếu không biết cách thì dù bơi giỏi đến đâu cũng chết chùm. Khoản này ngày xưa tôi được ba tôi dặn rất kỹ nên thoát chết đuối nhiều lần khi đi củi trên thượng nguồn hay đi cấy gặt ruộng sâu mà có bạn bị nạn”.
Thầy tôi, Hà Văn Thịnh, giảng viên Đại học Khoa học Huế, kể: “10 -15 năm trước, mình viết ít nhất ba bài báo nói về chuyện dạy bơi cho trẻ (dạy thật chứ không phải dạy trong lớp học), nhưng cũng không được mấy ai lưu tâm. Chuyện Thế Thịnh kể là một trong những bài học đầu tiên phải dạy cho trẻ , đó là kỹ năng sống (thoát = sống thoát, survival) trước các hiểm họa trong cuộc đời”.
Cách đây chưa lâu, 9 học sinh Quảng Ngãi chết trong một vụ đuối nước khiến mọi người bàng hoàng.
Chúng ta, cả nhà trường, gia đình và xã hội phải giật mình vì chưa dạy cho các em một cách đầy đủ khả năng sống- thoát mỗi khi gặp hiểm họa.
Không thể cứ mãi nói lời đáng tiếc.
Bình luận (0)