Sáng 14.11, tại hội thảo khoa học "Triển khai luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn", TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng khoảng 20 năm trở lại đây, thành phố không còn tình trạng phải đi hộ đê nữa, đồng thời lâu lắm mới xuất hiện cảnh tượng chèo thuyền ở Phúc Xá (Q.Ba Đình, Hà Nội).
Bởi lẽ, trên vùng thượng du (miền rừng núi ở vùng thượng lưu các con sông) đã có nhiều hồ chứa, làm giảm lượng nước về Hà Nội trong mùa lũ.
Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý biến đổi khí hậu sẽ đem đến nhiều cực đoan, như cực đoan khô hạn, cực đoan lũ và nhiều vấn đề khác. Do đó, việc triển khai các văn bản pháp luật phải mang tính "dài hơi", không chỉ trong khoảng thời gian 10 - 15 năm.
Cũng theo TS Cao Đức Phát, luật Thủ đô 2024 đã cho phép xây dựng các tuyến đê mới. Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu, được xây dựng công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng. Vấn đề này được ủy quyền cho HĐND TP.Hà Nội quyết định hình thức sử dụng, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Việc ủy quyền nêu trên là "rất mạnh mẽ" nhưng lại ngoắc thêm nội dung đi kèm, đó là phải thực hiện theo quy hoạch đê điều; theo quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê; theo quy hoạch sử dụng đất và theo quy hoạch khác có liên quan, chính là theo quy hoạch xây dựng… Trong khi đó, thẩm quyền thực hiện các quy hoạch lại rất khác nhau.
Vì vậy, TS Cao Đức Phát đề nghị Hà Nội nên tổ chức họp, phối hợp với tất cả các cơ quan có liên quan thực hiện tổng rà soát, lập kế hoạch phân công và đề ra tiến độ rõ để thực hiện.
"Nếu không cứ ngồi đợi nhau, 5 năm rồi 10 năm cứ trôi qua và 30 năm sau có khi vẫn tiếp tục tranh luận. Và, khi chúng ta làm tốt thì chúng ta phát huy được sự cởi mở của luật Thủ đô. Còn cứ ngồi đợi nhau thì bỏ lỡ cơ hội, và trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển thủ đô", ông Phát bày tỏ.
Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Phát lưu ý không thể để thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình.
"Đã đến lúc chúng ta phải dồn lực, huy động nguồn lực để thực hiện. Để nội đô không ngập, ngoại đô không ngập, nhân dân bình yên, thành phố văn minh, hiện đại", ông Phát nói.
Trước đó, phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS Lê Hải Bình, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cho biết luật Thủ đô được ban hành để quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát triển thủ đô Hà Nội, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Đồng thời, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông pháp lý để thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại.
Bình luận (0)