Không thể duy trì độc quyền

16/07/2020 04:27 GMT+7

Thực tế cho thấy, việc mở cửa ở bất cứ lĩnh vực nào cũng mang lại lợi ích cho tất cả các đối tượng liên quan, từ nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng .

Việc mở cửa thị trường viễn thông vẫn được xem là một minh chứng điển hình cho việc này. Khi cho Viettel tham gia, ngành viễn thông đã phát triển rất nhanh, giá cước giảm mạnh, mức độ phổ cập rất cao. Năm 2007, Hãng hàng không Australia Qantas mua 30% cổ phần của Pacific Airlines được coi là “sự kiện trọng đại” trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam bởi ai cũng kỳ vọng, thế độc quyền lâu nay trong lĩnh vực hàng không sẽ được dỡ bỏ.
Thế nhưng, chỉ đến khi VietJet chính thức cất cánh năm 2011, một thị trường cạnh tranh cho hàng không mới chính thức được mở ra với giá vé rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn và chặng bay nhiều hơn. Tương tự với bán lẻ, hơn 1 thập niên trước, hàng trong siêu thị mặc nhiên đắt hơn ở ngoài chợ, dịch vụ không có gì, chủng loại hạn chế. Muốn nấu một bữa ăn với đầy đủ gia vị thì phải đi chợ sau khi đi siêu thị mới đủ. Nhưng từ khi mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp ngoại vào hoạt động thì ngoài giá cả, dịch vụ, hàng hóa đều tốt hơn rất nhiều, các hệ thống phân phối còn là cánh tay nối dài để nhà nước thực hiện bình ổn giá khi có mặt hàng nào đó bỗng dưng nóng sốt; nhiều siêu thị tham gia giải cứu nông sản cho bà con nông dân.
Dẫn lại vài chuyện để thấy, tại sao khi Bộ Công thương nới rộng cánh cửa cho khối ngoại tham gia vào lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, ai cũng ủng hộ, ai cũng kỳ vọng thế độc quyền của ngành bán lẻ xăng dầu sẽ được phá bỏ. Như vậy, sẽ không còn vấn nạn tăng nhanh, giảm chậm; tăng nhiều giảm ít; trích quỹ này - chi quỹ kia từ chính tiền túi của người tiêu dùng. Đề xuất mở cửa bán lẻ xăng dầu khiến người dân lại tha thiết mở cửa với điện. Đây là vấn đề đã được đặt ra nhiều năm nay.
Tương tự, phía không ủng hộ viện dẫn lý do an ninh năng lượng quốc gia, nên cần duy trì “đặc thù độc quyền tự nhiên” của ngành điện. Bên ủng hộ và đa số người dân thì mong muốn một thị trường điện cạnh tranh để có quyền lựa chọn nhà cung cấp nào tốt nhất, giá cả hợp ý nhất... Thực tế thì chỉ cách đây khoảng 1 tháng, một phương án mang tính đột phá đối với ngành điện đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra lấy ý kiến, đó là bán toàn bộ nhà máy sau khi đi vào hoạt động cho nhà đầu tư bên ngoài trong dự thảo quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn điện lực Việt Nam (EViệt Nam) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước đó, Nghị quyết về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị ban hành hồi đầu năm cũng có nhiều vấn đề mới, đặc biệt là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Điều đó cho thấy, về quan điểm, chủ trương đều đã mở, rất mở. Vậy nên không có lý do gì để mãi duy trì thế độc quyền với xăng, điện...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.