Không thể hiểu nổi

03/10/2014 01:00 GMT+7

Đó là tâm trạng của nhiều người khi chứng kiến những chuyện vô lý đến phi lý, đến không thể hiểu nổi vẫn đang diễn ra hằng ngày. Đó là những chất độc hại, không khuyến khích tiêu thụ thì được bán rẻ trong khi các mặt hàng thiết yếu giá lại trên trời.

Ngay tại lúc này là tranh cãi chuyện tăng, mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá. Việc này có thể khẳng định, chẳng có gì phải tranh cãi. Bởi không ở đâu, giá thuốc lá, bia rượu rẻ như ở VN dù hậu quả của nó ai cũng biết. Đáng nói là trong khi các chất độc hại được bán rẻ mạt thì các mặt hàng thiết yếu như sữa bột, sữa tươi giá lại bị đẩy lên trời.

Cũng bởi chính sách giá ngược đời này mới dẫn đến kết quả hết sức đau lòng, trong khi chúng ta đạt giải quán quân về uống bia thì tỷ lệ dùng sữa của người Việt nằm trong danh sách thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 14 lít/người so với mức 25 lít của Trung Quốc và 24 lít của Thái Lan. Vậy tại sao không dùng chính sách thuế để "đổi vai" các mặt hàng này như các nước đã và đang làm? Bia bán thật đắt để hạn chế sử dụng và giá sữa giảm tối đa có thể để có thêm nhiều trẻ em VN được uống sữa?

Điều tương tự cũng xảy ra với thuốc lá. Thuốc lá ở VN được bán rất rẻ trong khi xăng, mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả đầu vào của hầu hết hàng hóa, sản phẩm, giá cước vận tải... lại đắt. Mỗi lần kêu gọi giảm giá xăng thì hết doanh nghiệp (DN) đầu mối kêu lỗ, bộ, ngành có thẩm quyền sợ ảnh hưởng đến nguồn thu trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá của VN đang ở mức thấp nhất trên thế giới, chỉ 44,9% so với Brunei là 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%, Úc 62%, Đức 75%, Pháp 80%...

Vậy tại sao không tăng thật mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và giảm giá xăng, giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục để giúp DN, người dân trong lúc khó khăn này?

Hay trong vấn đề lãi suất. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố lạm phát cả năm nay khoảng 3 - 4% và đây là cơ sở để giảm lãi suất. Thông tin này làm người gửi tiền buồn nhưng lại không làm các DN vui. Vì mục tiêu là giảm lãi vay nhưng nhiều năm nay chúng ta luôn làm ngược lại, áp trần huy động nhưng thả nổi lãi vay để ngân hàng thoải mái "bóp cổ" DN. Hiện lãi suất huy động ở các ngân hàng (NH) lớn đã xuống dưới 5%/năm nhưng lãi vay vẫn trên 10%/năm, nhiều DN vay mới vẫn chịu lãi suất 11,5%/năm, thậm chí cao hơn. Cái "trần ngược" khiến các NH hợp pháp việc trả rẻ lãi cho người dân gửi tiền nhưng bán đắt cho DN vay vốn.

Những chuyện "sờ sờ" trước mắt, đúng - sai quá rõ ràng nhưng chúng ta vẫn bàn tới, bàn lui; nói qua - nói lại không dứt điểm được. Câu hỏi đặt ra là, tại sao tăng thuế với bia, rượu, thuốc lá khó như vậy trong khi tăng giá xăng dầu, sữa, thực phẩm, điện, nước lại dễ đến thế? Tại sao giảm lãi của người gửi tiền dễ dàng thế mà giảm lãi vay cho DN lại khó khăn đến vậy?

Rượu, bia, thuốc lá và NH (trừ mấy năm nay) đều là những ngành siêu lợi nhuận. Nếu cứ để xảy ra những chuyện vô lý đến không thể hiểu nổi như nói trên, người dân sẽ phải đặt câu hỏi "Liệu chính sách có đang bị tác động bởi lợi ích nhóm?". Vì trong việc này, ai được lợi đã quá rõ ràng. 

Nguyên Khanh

>> Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng: Cần tăng thuế bia rượu
>> Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng - Kỳ 2: Mỗi tỉnh có hơn 6 nhà máy bia
>> Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.