Không thể lơ là chủ động nguồn nước, đảm bảo an ninh

Lê Quân
Lê Quân
09/01/2023 07:54 GMT+7

Đa phần lượng nước mặt là ngoại sinh, chiếm đến 60% nên trong tương lai không xa, vấn đề chủ động nguồn nước , đảm bảo an ninh không thể lơ là.

60% nước mặt là ngoại sinh

Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho biết, quá trình lập Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tài nguyên nước) được phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch tài nguyên nước và các quy hoạch ngành quốc gia liên quan.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành

ctv

Đồng thời, trong quá trình lập quy hoạch, Bộ TN-MT đã hợp tác, phối hợp với Ngân hàng thế giới, Úc, Cơ quan phát triển Pháp, tham vấn các chuyên gia và tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi về kinh nghiệm quốc tế trong việc lập quy hoạch tài nguyên nước cấp quốc gia.

Cuối năm 2022, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước. Đây là quy hoạch thứ 5/38 quy hoạch ngành quốc gia được Thủ tướng phê duyệt.

“Quy hoạch tài nguyên nước là định hướng tổng thể cấp quốc gia trong việc quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra… Mục tiêu hướng tới quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông, liên vùng, liên tỉnh; mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia”, ông Thành nói.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT), cho biết theo thống kê của Quy hoạch tài nguyên nước, tổng lượng nước trung bình nhiều năm toàn quốc khoảng hơn 935 tỉ m3/năm. Trong đó, lượng nước ngầm là khoảng 91,5 tỉ m3/năm.

Lượng nước mặt là khoảng gần 845 tỉ m3/năm; trong đó, lượng nước nội sinh chỉ chiếm 40%, khoảng 340 tỉ m3/năm; lượng nước ngoại sinh chiếm 60%, khoảng hơn 504 tỉ m3/năm. Như vậy, phần lớn lượng nước mặt là ngoại sinh, đặt ra vấn đề không thể lơ là mà cần chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, đảm bảo an ninh.

6 nhóm giải pháp chủ động nguồn nước

Theo ông Vĩnh, để đạt được mục tiêu năm 2050 phải chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, ngay từ bây giờ, nhiều nhóm giải pháp đã được đặt ra.

Năm 2050 phải chủ động được nguồn nước để đảm bảo an ninh

lê quân

Có thể chia thành 6 nhóm giải pháp về: chính sách, pháp luật; tài chính, đầu tư; khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; tổ chức và giám sát thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước.

Ngay sau khi Quy hoạch tài nguyên nước được Thủ tướng phê duyệt, Bộ TN-MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thực hiện theo chức năng quản lý được giao.

Bộ TN-MT đã đẩy nhanh việc lập, triển khai quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, tăng cường thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, cung cấp các số liệu phục vụ lập, điều chỉnh quy hoạch.

Đồng thời, Bộ TN-MT chủ trì rà soát, hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật tài nguyên nước, tăng cường hợp tác, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia.

Rà soát, điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông hướng tới theo thời gian thực; nghiên cứu các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt, tích trữ nước nhằm khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bộ TN-MT cũng chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước… Đồng thời, hợp tác, chia sẻ thông tin số liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước trên các sông liên quốc gia với các quốc gia có chung nguồn nước.

Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông phù hợp chức năng nguồn nước, mục tiêu chất lượng nước và dòng chảy tối thiểu theo quy định.

Cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn. Trước mắt, giai đoạn đến 2025, nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm xã hội hóa phục hồi một số sông ở miền Bắc: sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt làm căn cứ triển khai.

Trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, địa phương

Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước cho biết, theo Quy hoạch tài nguyên nước, Bộ NN-PTNT sẽ có nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh hoặc đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác có khai thác, sử dụng nước phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn và nâng cao khả năng tích trữ nước theo thiết kế của các hồ chứa thủy lợi; bảo vệ, phát triển, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn trên các lưu vực sông; lập, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi và công trình thủy lợi khác theo thẩm quyền, bảo đảm sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Theo Quy hoạch tài nguyên nước, UBND cấp tỉnh, Sở TN-MT địa phương và các bộ: Xây dựng, Công thương, KH-ĐT, Tài chính… theo chức năng, nhiệm vụ đều có trách nhiệm phối hợp với Bộ TN-MT trong việc điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.