Trăn trở với cam kết phát thải ròng bằng 0

Lê Quân
Lê Quân
16/07/2022 20:49 GMT+7

Tại Diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ 6, nhiều ý kiến bày tỏ trăn trở với cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam tại COP26.

Chung tay đưa phát thải ròng bằng 0

Chiều 16.7, tại diễn đàn “Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ 6 theo chủ đề “Phát triển xanh với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26” do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà báo đã bày tỏ sự trăn trở về cam kết phát thải ròng bằng 0.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành phát biểu tại diễn đàn

L.Q

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành đánh giá, diễn đàn là sự kiện thường niên hằng năm, nơi trao đổi các vấn đề nóng của ngành TN-MT, được cộng đồng quan tâm. Bộ TN-MT đánh giá cao các báo cáo viên đã giới thiệu, chia sẻ các tham luận quan trọng, thiết thực nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về TN-MT.

Đồng thời, diễn đàn cung cấp đến các nhà báo những thông tin cần thiết thuộc lĩnh vực TN-MT, cũng như chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp những kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh xanh, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT, cho biết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia COP26, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế.

Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT, cho biết sau cam kết phát thải ròng bằng 0 tại COP26, đã có nhiều hành động được triển khai

l.Q

Sau COP26, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc. Trong đó, kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.

Một số doanh nghiệp nhà nước đã bước đầu nghiên cứu, giảm dần nguồn năng lượng hoá thạch. Còn doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn đa quốc gia cũng đã sẵn sàng vào cuộc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng cần xác định rõ phát triển xanh là gì, các tiêu chí tiêu chuẩn của phát triển xanh.

Ông Lưu Bình Nhưỡng đề cao vai trò của Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp trong việc đưa phát thải ròng bằng 0

L.Q

Theo ông Nhưỡng, luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã thông qua và chính thức được áp dụng từ 1.1.2022 với nhiều quy định mới về phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Nhưng đến nay chưa có đạo luật nào xác định rõ các tiêu chuẩn về phát triển xanh… Vì vậy, rõ ràng vai trò của các nhà làm luật, làm chính sách và trực tiếp là Bộ TN-MT rất quan trọng.

Cũng theo ông Nhưỡng, đối với cam kết của Thủ tướng tại COP26 về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 là nhiệm vụ rất quan trọng, là lời hứa với toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là làm sao đưa được phải thải bằng 0 vào năm 2050? Đây là thách thức vô cùng to lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả, trong đó có 3 nhà: Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp.

Đồng thời, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần hành động thức tỉnh "cơn mê“ của những ai đang còn “ngủ mê” với vấn đề môi trường. Hiện nay, môi trường đang là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến tất cả mọi người là không thể chối cãi.

Vì vậy, đối với người dân, báo chí cần tuyên truyền, hướng dẫn để họ biết được những hành động cụ thể trong bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, báo chí cũng cần thức tỉnh một số nhà lãnh đạo, nhà quản lý còn chưa coi môi trường là nhiệm vụ quan trọng trong quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, các nhà báo cũng cần thay mặt xã hội giám sát và điều tra các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xâm phạm môi trường của các tổ chức, cá nhân.

Cũng theo ông Nhưỡng, doanh nghiệp là nơi sản xuất và cũng là một nguồn phát thải. Vì vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn nữa về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp cần có đóng góp thiết thực, hành động thực tế vào chiến lược trồng 1 tỉ cây xanh do Thủ tướng phát động.

Nhiều đại biểu tại diễn đàn phát biểu bày tỏ trăn trở và giải pháp làm sao đưa phát thải ròng bằng 0

l.Q

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo T.Ư, cho biết công tác tuyên truyền thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển từ ít quan tâm đến quan tâm; từ chưa hiểu biết sang hiểu biết; từ nhận thức chưa đầy đủ, không đúng đến nhận thức đầy đủ, đúng cho mọi tầng lớp nhân dân về biến đổi khí hậu. Nhận thức, hành vi, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp, người dân về biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến tích cực. Tính chủ động, năng lực ứng phó, thích ứng của chính quyền, doanh nghiệp, người dân được nâng lên.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, truyền thông cần thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước với mọi người dân, động viên, cổ vũ mỗi người dân và cộng đồng tích cực thực hiện, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần những thông điệp mạnh mẽ hơn nữa, cần tập trung chuyển tải toàn diện, mạnh mẽ, tích cực hơn nữa công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.