Không thể mỗi bệnh viện một giá, một bệnh viện lại nhiều giá

27/05/2022 06:10 GMT+7

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định khung đối với giá khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân, đảm bảo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý về giá trong hoạt động khám chữa bệnh.

Chiều 26.5, Quốc hội (QH) dành thời gian thảo luận tại tổ về dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi. Dự thảo luật KCB quy định, việc xây dựng quyết định giá dịch vụ KCB thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc cần có quy định khung đối với giá khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân

TTXVN

Không nên buông toàn bộ

Trong đó, Bộ trưởng Y tế quy định khung giá dịch vụ KCB đối với cơ sở KCB và khung giá dịch vụ KCB theo yêu cầu của nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Cơ sở KCB của nhà nước quyết định mức giá cụ thể đối với dịch vụ KCB theo yêu cầu của cơ sở. Đối với cơ sở KCB tư nhân, dự thảo luật cho phép “được quyền quyết định giá dịch vụ KCB theo quy định của luật Giá”.

Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Xã hội của QH cho rằng dịch vụ KCB là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý về giá. Nhiều ý kiến trong Ủy ban thống nhất với quy định cho phép cơ sở KCB tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ KCB theo quy định của luật Giá nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân. Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong Ủy ban thấy rằng, cần quy định khung giá dịch vụ KCB tại cơ sở KCB tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này. ĐB Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đồng tình với dự thảo luật cho phép cơ sở KCB tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ theo luật Giá. Tuy nhiên, cần bổ sung các nguyên tắc, quy định giá dịch vụ y tế và khung giá dịch vụ khám bệnh để đảm bảo tính tương đồng, không chênh lệch quá cao nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh.

ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) thì thống nhất với các ý kiến đề nghị quy định khung giá KCB tại các cơ sở KCB tư nhân. “Hiện nay, giá dịch vụ KCB ở các bệnh viện tư nhân rất khó quản lý. Nếu mỗi nơi một giá, một nơi lại nhiều giá thì sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân”, ĐB Hà nói.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ bày tỏ, trong việc xác định giá dịch vụ KCB cần phải phân định rõ 3 loại hình bệnh viện gồm cơ sở KCB công lập của nhà nước, cơ sở KCB tư nhân nhưng hoạt động không vì lợi nhuận và cơ sở KCB hoàn toàn vì mục tiêu lợi nhuận. Chủ tịch QH nhận định, việc để cơ sở KCB tư nhân tự định giá cũng cần cẩn trọng. “Cơ sở y tế tư nhân hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng có nên buông hết toàn bộ không? Một số ý kiến cho rằng nên có khung theo hạng bệnh viện. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới là 2 lĩnh vực y tế và giáo dục không nên nhô lên thị trường cao quá. Vai trò của nhà nước như thế nào trong vấn đề này cần phải tính toán kỹ”, Chủ tịch QH phân tích.

Ai cấp giấy phép hành nghề?

Dự thảo luật KCB mà Chính phủ trình QH đưa ra 2 phương án. Phương án 1 quy định Hội đồng y khoa quốc gia (HĐYKQG) cấp, thu hồi giấy phép hành nghề KCB. Còn phương án 2 thì quy định HĐYKQG thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề KCB; các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, sở y tế các địa phương) sẽ căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề. Cơ quan thẩm tra của QH là Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2, cho rằng nếu HĐYKQG cấp giấy phép trong khi chưa rõ địa vị pháp lý của tổ chức này cũng như chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KCB là chưa phù hợp.

Nhiều ý kiến đồng tình với phương án 2, cho rằng HĐYKQG khó có thể làm được công tác quản lý nhà nước trong việc cấp và thu hồi giấy phép hành nghề nên cần phải giao cho cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát bổ sung quy định về địa vị pháp lý và mối quan hệ giữa HĐYKQG với cơ quan quản lý nhà nước trong KCB. “HĐYKQG chỉ vài người chuyên trách, nên chăng tập trung vào khâu huấn luyện, đào tạo, thi tuyển và đánh giá năng lực; còn giấy phép hành nghề như nhiều ý kiến nên chăng giao cho cơ quan quản lý thì đủ sức hơn?”, Chủ tịch QH nêu vấn đề.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ về việc cấp giấy phép hành nghề để tránh tình trạng một người có nhiều giấy phép của các cơ quan khác nhau.

Liên quan vấn đề này, nêu ý kiến tại tổ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, HĐYKQG đánh giá năng lực, cấp giấy phép hành nghề là mô hình hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, ở VN nếu như giao ngay thì không giải quyết được bài toán thực tiễn, đặc trưng quản lý ở VN là cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép hành nghề. Do đó, cơ quan soạn thảo đưa ra lộ trình là HĐYKQG xây dựng ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực. Bộ Y tế xây dựng các trung tâm đánh giá năng lực nghề nghiệp tại các khu vực. Trên cơ sở đánh giá năng lực thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp giấy phép khi đến thời hạn là 5 năm. Ông Long cũng cho biết, HĐYKQG không chỉ có dân y mà còn có cả quân y và y tế của công an.

Đề xuất thành lập thanh tra ở cục, tổng cục

Sáng 26.5, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật Thanh tra sửa đổi. Một điểm mới trong dự án luật lần này là đề xuất thành lập thêm thanh tra cục, tổng cục bên cạnh thanh tra bộ và thanh tra sở trong tổ chức thanh tra ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, thảo luận tại tổ chiều cùng ngày, nhiều ý kiến ĐBQH băn khoăn với đề xuất này. ĐB Nguyễn Việt Dũng (Kiên Giang) cho rằng, để thực hiện đúng nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính thì chỉ cần quy định một đầu mối thực hiện thanh tra chuyên ngành tại bộ, chứ không thành lập cơ quan thanh tra cục, tổng cục thuộc bộ. ĐB Dũng đề nghị bố trí đủ biên chế và các điều kiện cần thiết để thanh tra bộ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện hoạt động thanh tra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.