Cần tạo cơ chế gì cho ngành y tế phát triển?

Duy Tính
Duy Tính
10/02/2022 04:17 GMT+7

Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề, nhưng năm 2022, ngành y tế đưa ra giải pháp nào để vừa phát triển chuyên môn bảo vệ sức khỏe người dân, vừa bảo vệ được thầy thuốc có tay nghề giỏi?

Đề cao quản lý nguy cơ - giảm thiểu xử lý hậu quả

Là đại biểu Quốc hội, đồng thời là Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy hạng đặc biệt, TS-BS Nguyễn Tri Thức cho rằng để tạo điều kiện cho ngành y tế phát triển để khám, chữa bệnh và bảo vệ được cán bộ thì chúng ta nên chú trọng nâng tầm “quản lý nguy cơ” và từ đó giúp giảm thiểu tối đa phải “xử lý hậu quả”. Theo đó, ở tầm chiến lược vĩ mô, ông đã đưa ra nhiều đề xuất cho năm 2022.

Năm 2022, ngành y tế vừa chống dịch, vừa đảm bảo khám, chữa bệnh thông thường cho người dân

Duy Tính

Thứ nhất, điều chỉnh và củng cố lại cơ chế mua sắm thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế tiêu hao… theo hướng đảm bảo công khai - minh bạch - rõ ràng, dễ dàng áp dụng trong thực tiễn và đảm bảo đáp ứng kịp thời cho cấp cứu và điều trị người bệnh. Nên đặt vấn đề và xem xét đến việc sửa, bổ sung chương đấu thầu riêng cho ngành y tế và giáo dục (vì tính đặc thù của các lĩnh vực này).

Thứ hai, cần ban hành hướng dẫn một cách rõ ràng, chi tiết trong liên doanh; liên kết trang thiết bị y tế; tăng cường xã hội hóa, hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế, nhằm giúp các bệnh viện kịp thời có trang thiết bị hiện đại mang tầm khu vực và thế giới để phục vụ điều trị người bệnh, phục vụ nghiên cứu khoa học và nâng tầm chuyên môn cho các bác sĩ VN. Bên cạnh đó giúp tiết kiệm chi phí khi bệnh nhân phải ra nước ngoài điều trị. Hiện có nhiều nhà đầu tư rất thiết tha đầu tư trang thiết bị y tế để phục vụ người bệnh với phương châm cống hiến cho xã hội, cho đất nước (chứ không đơn thuần chỉ là kinh doanh).

Thứ ba, thay đổi cơ chế giá viện phí sao cho đảm bảo đầy đủ cơ cấu giá. Đảm bảo tính đúng, tính đủ và không được lạm thu người bệnh. Bao gồm cả chính sách viện phí nhằm kích thích phát triển kỹ thuật mới cho các BV (ngay khi mới triển khai thí điểm thì BV có cơ chế thu theo quy định hoặc bệnh nhân được hưởng BHYT). Viện phí hợp lý sẽ giúp các BV có nguồn lực tái đầu tư phục vụ người bệnh, giúp thu nhập nhân viên y tế được cải thiện, phù hợp với mặt bằng chung của xã hội. Từ đó sẽ giúp nhân viên y tế tận tâm, tận lực phục vụ cho BV, cho bệnh nhân và giảm tối đa các nhũng nhiễu, tiêu cực.

Cần nhiều cơ chế minh bạch trong mua sắm, đấu thầu thiết bị, máy móc

Thứ tư, đầu tư phát triển y tế cơ sở hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Nhất là các trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… xứng đáng là pháo đài vững chắc trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, tránh đầu tư lãng phí và không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của trạm y tế. Tránh “tư duy” xây dựng và đầu tư trạm y tế như một “bệnh viện”. Một trong những giải pháp nên xem xét là đưa các phòng mạch tư vào hệ thống khám, chữa bệnh BHYT.

Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa Bộ Y tế và BHXH VN nhằm tạo sự thống nhất cao trong chi trả BHYT cho người bệnh, đảm bảo khách quan - công bằng - tuân thủ pháp luật tuyệt đối giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH. Tránh những vấn đề mâu thuẫn và chưa thống nhất giữa hai bên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người bệnh.

Thứ sáu, rất mong Quốc hội; Chính phủ và Bộ Y tế ban hành các cơ chế, chính sách quy định cụ thể, rõ ràng hơn để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ; dám làm; dám đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung của ngành; của đơn vị; vì tính mạng của người bệnh (theo tinh thần chỉ đạo của Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung). Phát huy tối đa vai trò cấp ủy cùng cấp trong việc đề ra quyết sách phù hợp với tình hình thực tế nhưng có thể chưa phù hợp hoàn toàn theo quy định, nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cấp bách trong thực tiễn hoạt động của các BV, kịp thời cứu chữa bệnh nhân (tất nhiên không trái hoàn toàn với quy định của pháp luật và không có yếu tố tư lợi, tiêu cực).

Mặt khác, ở trạng thái bình thường mới, TS-BS Nguyễn Tri Thức đề xuất thanh toán chi phí cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 khám tầm soát di chứng của Covid-19. Cụ thể là Bộ Y tế ban hành hướng dẫn và danh mục khám. Bình thường hóa dần cuộc sống thích ứng an toàn với dịch Covid-19 thì đơn giản hóa 5K thành 3K: khẩu trang - thói quen khử khuẩn - ý thức không tập trung (trong thực tế 2K còn lại không sử dụng hoặc sử dụng hình thức).

TP.HCM với nhiều chiến lược trong năm 2022

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết năm 2022, thành phố nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về công tác y tế năm 2022. Theo đó, toàn thể nhân viên ngành y tế TP.HCM sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời: Đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời phải đảm bảo không làm gián đoạn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân với chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất có thể của các cơ sở y tế.

Với 2 nhiệm vụ này, ngành y tế TP.HCM đưa ra trong 9 nhóm hoạt động trọng tâm, ưu tiên hàng đầu vẫn là chống dịch, nâng cao năng lực chống dịch và khám, chữa bệnh. TP.HCM củng cố nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên khoa sâu. Triển khai hiệu quả đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Theo đó, thành phố thực hiện Đề án chuyển đổi Trung tâm y tế và BV quận, huyện, TP.Thủ Đức từ Sở Y tế về UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức quản lý. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa của các BV đa khoa, chuyên khoa của thành phố hướng đến phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Triển khai các giải pháp thu hút nguồn nhân lực đối với các vị trí việc làm khó tuyển dụng tại các cơ sở y tế và các BV.

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả. Cụ thể, năm 2022, TP.HCM hoàn thành và đưa vào hoạt động hiệu quả các công trình xây dựng mới: BV Truyền máu Huyết học, BV Nguyễn Trãi, BV Nhi đồng 1, BV Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm pháp y. Đưa các công trình xây dựng đã hoàn thành đi vào hoạt động, bao gồm: BV Ung bướu (cơ sở 2), Khu kỹ thuật cao của BV Nhân dân 115.

Để ngành y tế phát triển, TP.HCM đề xuất - kiến nghị những chính sách cần thay đổi. Theo đó, có cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, nhất là thu hút nhân lực y tế đến công tác tại các trạm y tế. Bổ sung thêm các loại hình nhân viên y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, như loại hình chuyên viên cấp cứu ngoài BV. Bổ sung thêm các loại hình khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán như: khám, chữa bệnh tại nhà, khám, chữa bệnh từ xa. Cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh để y tế tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là dịch bệnh Covid-19. (còn tiếp)

Ngày 9.2, Sở Y tế TP.HCM có tờ trình UBND TP.HCM về việc phê duyệt Đề án tổ chức lại Trung tâm y tế và BV quận, huyện, TP.Thủ Đức, BV Lê Văn Việt, BV Lê Văn Thịnh trực thuộc Sở Y tế về lại trực thuộc UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức. Đề án triển khai trên phạm vi hệ thống y tế cơ sở, gồm 22 Trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức; 19 BV bao gồm quận, huyện, BV TP.Thủ Đức, BV Lê Văn Việt, BV Lê Văn Thịnh và 312 Trạm y tế phường, xã, thị trấn. Theo lộ trình đề ra, từ quý 2 đến trước quý 4/2022, Sở Y tế tổ chức bàn giao nguyên trạng 22 Trung tâm y tế và 19 BV về UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức quản lý theo đúng quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.