Tập đoàn điện lực VN (EVN) có vẻ đang muốn xoa dịu dư luận khi đưa ra tuyên bố về việc ngành điện “không có thưởng tết” từ mấy năm nay. Đối với khối sản xuất kinh doanh, không có thưởng do làm ăn thua lỗ (EVN công bố lỗ trên 10.000 tỉ đồng) là điều hoàn toàn có thể chia sẻ nhưng nó thiếu logic khi mà lương bình quân tại công ty mẹ được công bố là 13,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó riêng khối văn phòng có thu nhập bình quân tới 30 triệu đồng/tháng. Đọc thông tin này, có người hỏi, mấy ông không định tăng giá điện nữa đấy chứ, nhiều hơn là có xúc cảm chia sẻ với lao động ngành điện.
Tuyên bố này chỉ càng làm dày thêm các câu hỏi nghi vấn xung quanh việc lỗ lãi, lương thưởng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị doanh nghiệp của ngành điện, vốn có quá nhiều lợi thế của một doanh nghiệp độc quyền.
Trong khi Tổng giám đốc EVN nói lương bình quân cán bộ, công nhân chỉ có 7,3 triệu đồng/người/tháng, thì kiểm toán công bố lương bình quân toàn công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/người/tháng, lương bình quân khối văn phòng tập đoàn còn khủng hơn, trên dưới 30 triệu đồng/người/tháng. Ông tổng giám đốc hẳn nói không sai, chỉ có điều ông nói lương bình quân toàn ngành, trong khi kiểm toán thì công bố lương bình quân tại công ty mẹ. Nhưng 7,3 triệu đồng và 13,7 triệu đồng là mức chênh lệch quá lớn và đó hẳn mới là điều làm hơn 60.000 công nhân trực tiếp làm việc tại các nhà máy điện phải “đau lòng”. Chưa hết, theo một nguồn tin không chính thức thì cán bộ hàng lãnh đạo của EVN (bao gồm Hội đồng quản trị và ban giám đốc) có thu nhập không dưới 100 triệu/tháng, do ngoài lương tập đoàn họ còn được trả lương khi làm đại diện phần vốn nhà nước tại các công ty thành viên.
Tại sao lại có mức chênh lệch quá lớn giữa thu nhập khối sản xuất và khối gián tiếp, tại sao lại cắt thưởng tết của công nhân trong khi thu nhập khối văn phòng được mặc định ở mức quá cao là câu hỏi mà người lao động ngành điện dành cho lãnh đạo EVN. Tại sao lại trả mức lương bình quân cao, trong bối cảnh lỗ nặng và liên tục đòi tăng giá điện là chất vấn của người tiêu dùng với EVN...
Theo số liệu mà EVN công bố, tỷ lệ tổn thất lưới điện truyền tải và phân phối toàn hệ thống của EVN năm 2010 là 10,15%. Con số này là quá cao so với mức trung bình thế giới (phổ biến từ 5 - 6%, nước nào quản lý kém cũng chỉ 8 - 9%). Nếu tính theo doanh thu của EVN thì mức tổn thất này là 9.093 tỉ đồng, tính theo chi phí là 10.109 tỉ đồng. Nhức nhối này được nhắc đi nhắc lại đã nhiều năm nhưng vẫn là một câu hỏi lớn cho EVN chưa có câu trả lời. Có vẻ như những yếu kém chủ quan trong công tác quản trị của ngành này đang khiến cho người lao động và người tiêu dùng thiệt đơn, thiệt kép.
An Nguyên
Bình luận (0)