Không uống rượu, bia vẫn 'dính' nồng độ cồn?

Duy Tính
Duy Tính
03/01/2020 13:09 GMT+7

Cư dân mạng vẫn đang xôn xao thông tin lan truyền 'dính nồng độ cồn dẫu chỉ ăn quả vải, uống sirô...'.

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 2.1, chuyên gia dinh dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệp, nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho biết ngoài rượu, bia có cồn (ethanol) thì còn nhiều loại đồ uống, thực phẩm khác cũng có cồn mà mọi người cần phải chú ý.

Uống 3 chai bia bị CSGT xử phạt, giam xe ngay ngày đầu năm 2020

Tuy nhiên, thức ăn tự nhiên khó thể sinh ra cồn, hơn nữa thực phẩm là a xít hữu cơ nên không thể nào thổi qua hơi thở do quá trình hấp thu của cơ thể rất chậm.
Một số thuốc như sirô ho, người uống theo liều lượng chỉ định của bác sĩ rất ít, không thể uống một lần mấy trăm mi li lít để sinh ra cồn được...
Điều chuyên gia dinh dưỡng này lưu ý là ngoài rượu, bia thì một số đồ uống khác có cồn mà mọi người cứ nhầm là thức uống không có cồn nên cần phải nhận diện để khi tham gia giao thông không bị phạt.
Ví dụ như nước trái cây lên men công nghiệp từ 3 - 5% độ cồn ethanol - tương đương độ cồn trong bia; nước trái cây lên men thủ công do hộ gia đình tự làm vẫn có cồn ethanol; có loại nước trái cây lên men mà nồng độ cồn đến 12%.
Tất cả những loại này cồn đều có trong máu, hơi thở khi dùng các thiết bị, xét nghiệm thử đều bị phát hiện. Bản chất khi cơ thể có cồn sẽ làm thay đổi hành vi hoặc tác động khiến điều khiển xe không an toàn.
Ngoài ra, trong thực tế có một số món ăn khi chế biến người ta có đổ thêm rượu, và rượu nồng độ cao thì khi ăn uống cần chú ý; nhưng thịt hầm rượu vang thì sẽ không thể cho ra cồn trong cơ thể vì đây chỉ là gia vị nêm thêm.
Do vậy, ngoài việc người dân cần để ý thì nhà hàng cũng cần phải tập huấn về quy định xử phạt này để có cách chế biến tránh nguy cơ phát sinh cồn trong thức ăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.