Không xáo trộn giáo viên khi dạy theo chương trình mới

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
29/12/2018 07:35 GMT+7

Bộ GD-ĐT cho rằng việc dạy học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo hướng không gây xáo trộn lớn, không ảnh hưởng đến cơ cấu giáo viên.

Chỉ “tích” những nội dung thật “hợp”

Dư luận hiện quan tâm nhiều về các môn học tích hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý) ở cấp THCS. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới, cho hay những người biên soạn đã lựa chọn phương án tích hợp phù hợp với mỗi môn học để phát huy hiệu quả của dạy học theo cách thức này, đồng thời bảo đảm kiến thức cốt lõi của mỗi ngành khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế trong bước đầu thực hiện dạy học tích hợp ở nước ta.
Ví dụ, CT môn khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung, mỗi chủ đề vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho giáo viên (GV) vốn được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm có thể thực hiện chương trình.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, khẳng định: Tỷ lệ thời lượng giữa các lĩnh vực có dao động chút ít so với CT hiện hành và không ảnh hưởng lớn đến cơ cấu GV. Số tiết của môn khoa học tự nhiên (3 tiết/tuần) ít hơn 35 tiết so với tổng số tiết của các môn vật lý, hóa học, sinh học trong chương trình hiện hành nên sẽ không có sự xáo trộn về số lượng GV trong mỗi nhà trường. Chỉ khác trong sự phân công và xếp thời khóa biểu mà thôi.
 
 
Đánh giá, cho điểm phần tích hợp thế nào ?
Về kiểm tra, đánh giá, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết đang xây dựng lại quy định về đánh giá học sinh để bảo đảm sự phù hợp với CT mới theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Kết quả đánh giá của mỗi chủ đề được tính vào kết quả cuối cùng của môn học theo tỷ lệ phần trăm tương ứng. Cách tính điểm theo phần trăm nội dung kiến thức này cũng được áp dụng phổ biến ở các nước trên thế giới.
“Với chủ đề “chất và sự biến đổi của chất” có thể phân công GV hóa; chủ đề vật sống và “trái đất và bầu trời” thì phân công GV sinh; chủ đề “năng lượng và biến đổi” và “trái đất và bầu trời” sẽ phân công GV vật lý”, ông Thành nêu ví dụ.
Tương tự, CT môn lịch sử và địa lý ở cấp THCS gồm 2 phân môn lịch sử, địa lý; nội dung của mỗi phân môn vừa bảo đảm tính độc lập tương đối vừa góp phần soi sáng, hỗ trợ cho nhau. Ông Thành chỉ ra ở mỗi lớp 7, 8, 9 có 1 chủ đề chung (6 - 10 tiết). Vì vậy, việc bố trí GV dạy môn này cơ bản GV không thay đổi so với CT hiện hành. Đối với các chủ đề chung, 2 GV cùng dạy 1 lớp sẽ phối hợp với nhau để thực hiện.

Có 6 năm để chuẩn bị về giáo viên

Về việc chuẩn bị đội ngũ ở cấp THCS nói chung và dạy tích hợp nói riêng, ông Nguyễn Xuân Thành nêu hình dung: Theo lộ trình, đến năm học 2021 - 2022, CT áp dụng đến cấp THCS và lần lượt đến năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng đến lớp 9. Như vậy, sẽ có 6 năm để đào tạo, bồi dưỡng GV. Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV rất cụ thể. Ví dụ, trước hết tập trung bồi dưỡng 25% số GV để dạy lớp 6 và cuốn chiếu cho các năm tiếp theo. Bộ khuyến khích và có chế độ cho các GV tự nguyện đăng ký học thêm các học phần bổ sung kiến thức chuyên môn để có thể đảm nhận từ 2 phân môn, tiến tới đảm nhận toàn bộ CT môn học.
Các trường sư phạm đã có kế hoạch xây dựng CT đào tạo GV dạy học các môn tích hợp và CT bồi dưỡng GV đơn môn để dạy các môn học này. Những GV có điều kiện và nguyện vọng có thể theo học CT bồi dưỡng ở trường sư phạm, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tiến tới đảm nhiệm được việc dạy toàn bộ môn học. CT bồi dưỡng được tổ chức thực hiện theo hình thức tích lũy tín chỉ nên GV có thể sắp xếp thời gian hợp lý để theo học.
Sao phải gộp 3 thành 1 môn ?
Một số ý kiến cho rằng, việc tích hợp mới dừng lại ở mức độ quá thấp như vậy liệu có cần thiết phải gộp 2 - 3 môn thành 1 môn tích hợp để gây “xôn xao”, lo lắng trong đội ngũ GV từ khi thai nghén đến khi ban hành CT này?
GS Nguyễn Minh Thuyết viện dẫn các văn bản yêu cầu thực hiện dạy học tích hợp trong đổi mới GDPT và nhấn mạnh thực tiễn thử nghiệm dạy học tích hợp ở VN trong nhiều năm qua cho thấy việc xây dựng CT môn học tích hợp giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống, qua đó giúp học sinh phát triển được những phẩm chất và năng lực mà CT kỳ vọng. Ngoài ra, nó còn giúp tránh được sự trùng lặp kiến thức nếu dạy ở nhiều môn học, nhờ đó phù hợp với thời gian học của học sinh trong nhà trường, góp phần giảm tải so với CT hiện hành.
Lý giải về mức độ tích hợp còn ở bước đầu trong CT GDPT mới, ông Thuyết cho rằng phương thức và mức độ tích hợp như trên phù hợp với trình độ đào tạo, năng lực dạy học của GV và khả năng tiếp nhận, vận dụng kiến thức của học sinh; đồng thời bảo đảm tính hệ thống của các kiến thức cốt lõi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.