'Không xử tử sẽ bật đèn xanh cho tham nhũng'

30/11/2015 19:41 GMT+7

“Không xử tử với tội tham nhũng thì vô hình chung bật đèn xanh cho tham nhũng. Rằng cứ tham nhũng cho thật nhiều, khi bị kết án tử hình chỉ cần nộp lại 3/4, còn lại 1/4 thì đủ củng cố cho đời con, sống phè phỡn”.

“Không xử tử với tội tham nhũng thì vô hình chung bật đèn xanh cho tham nhũng. Rằng cứ tham nhũng cho thật nhiều, khi bị kết án tử hình chỉ cần nộp lại 3/4, còn lại 1/4 thì đủ củng cố cho đời con, sống phè phỡn”.

Cử tri bức xúc trước việc Trung Quốc mở rộng xây dựng ở các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: Hoàng SơnCử tri bức xúc trước việc Trung Quốc mở rộng xây dựng ở các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: Hoàng Sơn
Hôm nay, 30.11, Đoàn đại biểu Quốc hội (BĐQH) TP.Đà Nẵng có cuộc tiếp xúc với cử tri 5 quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng (quận Hải Châu) cho biết, ông không đồng tình với việc Quốc hội thông qua Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) bỏ khung phạt tử hình đối với 7 tội danh, trong đó có tội danh tham ô, tham nhũng.
Ông Tổng nói: “Không xử tử với tội tham nhũng thì vô hình chung sẽ bật đèn xanh cho tham nhũng. Rằng cứ tham nhũng cho thật nhiều đi, khi bị kết án tử hình chỉ cần nộp lại 3/4, còn lại 1/4 thì cũng đủ củng cố cho đời con và sống phè phỡn. Chỉ cần anh tham nhũng 100 tỉ đồng, anh nạp lại 75 tỉ đồng, còn lại 25 tỉ thì cũng đủ xài rồi”.
Cử tri Lê Thưởng (Q.Ngũ Hành Sơn) cho rằng, Quốc hội kiêm nhiệm làm nảy sinh nhiều vấn đề và là một nguyên nhân gây tham nhũng, lãng phí. Theo cử tri này, Quốc hội làm việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả không cao vì 70% đại biểu là kiêm nhiệm, vừa làm cơ quan hành chính khác vừa tham gia Quốc hội.
“Việc hành chính đã chiếm hết thời gian của họ rồi. Họ còn thời gian đâu nữa để suy nghĩ những vấn đề lớn của Quốc hội, còn thời gian đâu nữa mà giám sát”, ông Thưởng ý kiến và cho rằng, chính sự kiêm nhiệm đặt ra câu hỏi liệu việc giám sát của Quốc hội có công minh khi đại biểu Quốc hội vừa hành pháp vừa giám sát. Ông Thưởng đề nghị Quốc hội sắp tới cần phải có 100% đại biểu chuyên trách.
Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn BĐQH Đà Nẵng cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng đang thực hiện nửa vời - Ảnh: Hoàng SơnÔng Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn BĐQH Đà Nẵng cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng đang thực hiện nửa vời - Ảnh: Hoàng Sơn
Liên quan đến vấn đề trên, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng nói: “Chúng ta chống tham nhũng như thế này hơi nửa vời, chưa kiên quyết”. Ông Nghĩa nhìn nhận, nhiều vụ việc tham nhũng cứ kéo dài ra, dân mất lòng tin.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, phải có “đội đặc nhiệm” bắt những người tham nhũng chạy ra nước ngoài. Nhiều đại biểu có ý kiến phản ứng gay gắt nhưng lại là thiểu số và ông Nghĩa đề nghị cử tri chia sẻ vấn đề này.
Không có giải pháp khác, Trung Quốc sẽ lấn lướt
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri khác bày tỏ sự lo lắng khi Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng trái phép tại các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Có cử tri cho rằng, Quốc hội nên ra nghị quyết về biển Đông để toàn thế giới thấy Việt Nam không sợ hãi Trung Quốc. Cử tri Trần Thúc Cừ (Q.Sơn Trà) cho rằng, cần có giải pháp đấu tranh mới, kiên quyết hơn vì Trung Quốc cứ “ù lì” rồi sẽ tiếp tục lấn lướt.
Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng cho hay, tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp. “Vấn đề Quốc hội ra nghị quyết, tôi cũng đấu tranh mạnh dữ lắm. Đà Nẵng có huyện đảo Hoàng Sa thì đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Nhưng sau đó, tính đi lại thì đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước mình và đấu tranh bằng nghị trường…”.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, phải bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đời mình bảo vệ, đời con cháu chắt cũng phải bảo vệ, phải lên tiếng… “Đấu tranh lâu dài và phải giữ từng tấc đất. Ở Đà Nẵng đã có nghị quyết phản đổi Trung Quốc. Thái độ cũng rõ ràng nhưng hiện tình hình đang phức tạp…”, ông Nghĩa nói thêm.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng chưa đến mức xảy ra xung đột. Tuy đánh tiếng không có ý định quân sự hóa Biển Đông nhưng thực tế Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc lấn biển, tôn tạo đảo đá ở Trường Sa và xây dựng các công trình phục vụ quân sự.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, tính đến đầu tháng 10, Trung Quốc đã mở rộng trên các điểm ở Trường Sa lên tới hơn 1.300 ha, thi công đường băng 3.000 x 60 m, cầu cảng 750 m tại Xu Bi, phủ sóng 4G tại 7 đảo.
HĐND TP.Đà Nẵng sẽ bàn bạc vấn đề quản lý người nước ngoài tại địa phương (Trong ảnh: Việc Đà Nẵng cho phép tuyển 300 lao động Trung Quốc vào xây khách sạn (ảnh) vừa khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều) - Ảnh: Hoàng SơnViệc Đà Nẵng cho phép tuyển 300 lao động Trung Quốc vào xây khách sạn (ảnh) khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh: Hoàng Sơn
Ông Sơn cũng cho biết, Việt Nam đã có phản đối chính thức và đấu tranh tại các diễn đàn quốc tế; tiếp tục theo dõi sát, nâng cao cảnh giác, không để bị động, bất ngờ…
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn chưa chặt chẽ, đặc biệt là sau vụ ông Li Mu Zi (quốc tịch Trung Quốc, trú tại Q.Sơn Trà) bị bắn chết.
“Người đàn ôngTrung Quốc từng bị trục xuất về nước nhưng lại ở Đà Nẵng đến 4 năm, có con 3 tuổi mà cảnh sát khu vực, tổ dân phố không biết. Mãi đến khi họ chết mới lòi ra việc như thế… Giờ xảy ra việc thì ai chịu trách nhiệm?”, một cử tri đặt câu hỏi.
Ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH TP thông tin, cuộc họp HĐND TP sắp tới sẽ bàn bạc làm sao quản lý tốt người nước ngoài. Ông Nghĩa cho biết thêm, vừa qua báo chí có nêu việc tuyển 300 lao động Trung Quốc vào TP, UBND TP đã báo cáo vấn đề này còn vụ người đàn ông Trung Quốc bị bắn chết hiện công an đang điều tra.
Rau bán không được, không dám cho bò ăn
Liên quan đến kiến nghị, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn trong công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm của các cử tri, Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng cho hay, ông đồng tình với phát biểu một một đại biểu rằng “từ dạ dày đến nghĩa địa là gang tấc” tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.
“Mình ăn không biết đường được rồi ngộ độc, dễ chết như chơi, ung thư ngày càng nhiều. Quốc hội cũng nói hết lời, kiên quyết lắm, biện pháp cũng đưa ra nhiều. Nhưng ý thức người dân là quan trọng và buôn bán thì phải chống buôn bán loại hàng độc hại”, ông Nghĩa nói và dẫn ra câu chuyện tại một địa phương, người dân trồng khổ qua quả chỉ nhỏ xíu xiu nhưng phun thuốc thì ngày mai to tướng.
“Rau phun thuốc, đem đi bán không ai mua. Rồi họ đem về chôn chứ không cho bò ăn vì sợ bò chết, rứa mà đem đi bán cho người ta”, ông Nghĩa ngao ngán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.