Khu liên hợp Mỹ Đình bị kiện ra tòa

04/10/2022 08:45 GMT+7

Bị kiện ra tòa, cùng lúc chịu 2 khoản nợ thuế với tổng cộng lên đến hơn 895 tỉ đồng, đó là tình cảnh Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang phải gánh chịu và có thể tuyển Việt Nam sẽ chịu hệ lụy liên đới.

Đối tượng bị kiện trong vụ án đất đai

Mới đây, TAND Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) tiến hành xét xử vụ án liên quan đến Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (viết tắt khu liên hợp). Đơn vị này trở thành đối tượng bị kiện (bị đơn) với nguyên đơn là Công ty Hải Yến. Người phải ra hầu tòa là Giám đốc khu liên hợp Nguyễn Trọng Hổ. Tuy nhiên, ông Hổ bị rơi vào tình cảnh “quýt làm cam chịu” vì toàn bộ sự việc được nêu trong đơn kiện của Công ty Hải Yến xảy ra từ đời giám đốc cũ là ông Cấn Văn Nghĩa (đã về hưu từ tháng 8.2018) và Phó giám đốc Nguyễn Việt Tiến (người nắm quyền phụ trách khu liên hợp khi ông Nghĩa về hưu nhưng hiện không còn giữ chức vụ này. Ông Hổ về tiếp quản chiếc ghế nóng giám đốc khu liên hợp từ năm 2020).

Vì tài chính của khu liên hợp cạn kiệt nên mãi đến trước SEA Games 31, ghế ngồi của sân Mỹ Đình mới được đại tu

HOÀNG QUÂN

Cụ thể, năm 2011, khu liên hợp ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với Công ty Hải Yến thời gian 10 năm (đến ngày 8.12.2021). Nhưng trong khi hợp đồng vẫn còn hiệu lực, vào năm 2019, để phục vụ việc xây dựng đường đua xe Công thức 1, khu liên hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng để lấy lại mặt bằng đã cho Công ty Hải Yến thuê. Lãnh đạo khu liên hợp khi đó không thông báo mà cho cắt điện tại nhà hàng do Công ty Hải Yến làm chủ. Trong đơn kiện, công ty này trình bày, vì bị cắt điện, nước đột ngột nên không có khách, doanh thu của cửa hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Được biết, số tiền công ty này bị lỗ khoảng hơn 30 tỉ đồng và công ty đòi khu liên hợp phải đền bù 20 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, mỗi bên đưa ra các quan điểm để bảo vệ lý lẽ của mình. Công ty Hải Yến khẳng định bị thiệt hại lớn nên yêu cầu được bồi thường. Còn đại diện hợp pháp của khu liên hợp thời điểm này là ông Nguyễn Trọng Hổ lại cho rằng Công ty Hải Yến có dấu hiệu vi phạm hợp đồng nên mới bị cắt điện, nước. Ông Hổ cũng đề nghị nguyên đơn chứng minh được những lần bị cắt điện, nước. Sau khi nghe ý kiến của nguyên đơn và bị đơn, tòa tạm dừng buổi xét xử và yêu cầu các bên cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ liên quan. Tòa cũng chưa định ngày xét xử kế tiếp.

Tuyển Việt Nam đấu AFF Cup 2022 ở đâu ?

Điều đáng nói là trong 3 năm qua, mặt bằng mà Công ty Hải Yến thuê đã không còn hoạt động, nhưng vì bản thanh lý hợp đồng mới chỉ có chữ ký của lãnh đạo khu liên hợp (nhiệm kỳ cũ) chứ chưa có chữ ký của công ty (vì công ty không đồng ý thanh lý) nên bản thanh lý này không có giá trị pháp lý. Do đó, hợp đồng (cũ) giữa các bên được ký năm 2011 coi như vẫn còn hiệu lực. Mà theo quy định về luật Đất đai, khu liên hợp vẫn phải đóng thuế sử dụng đất. Số tiền thuế phải nộp năm 2019 là 9 tỉ đồng nhưng vì nguồn tài chính bị cạn kiệt, khu liên hợp đã không thể đóng khoản thuế này nên hiện tại nợ xấu phát sinh thêm thành 17 tỉ đồng. Và số tiền nợ sẽ tiếp tục tăng nếu như khu liên hợp vẫn không thể trả. Khu liên hợp sẽ đứng trước nguy cơ bị cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn chỉ riêng với khoản nợ thuế đất ở mặt bằng liên quan Công ty Hải Yến.

Nỗi khổ chồng chất nỗi khổ với khu liên hợp. Như Thanh Niên nhiều lần đưa tin, do sai phạm của những cá nhân trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại khu liên hợp thời kỳ từ năm 2009 - 2018, số tiền nợ thuế của khu liên hợp tính đến hết tháng 7.2022 lên đến hơn 855 tỉ đồng (chưa bao gồm khoản nợ 17 tỉ đồng nêu trên). Vì khu liên hợp bất lực trả nợ nên mỗi tháng khoản nợ xấu sẽ phát sinh gần 11,6 tỉ đồng; trong đó gồm số tiền thuế và các khoản thu khác phát sinh khoảng hơn 2,5 tỉ đồng và số tiền chậm nộp phát sinh là hơn 9,1 tỉ đồng. Tính khoản nợ của tháng 8 và 9.2022 là 23,2 tỉ đồng. Cũng vì nợ xấu lên đến con số quá lớn mà tháng 6 qua, cơ quan thuế tiếp tục có quyết định bằng văn bản gửi khu liên hợp, thông báo về việc áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với khu liên hợp (quyết định có hiệu lực thi hành trong vòng 1 năm, tính từ ngày 20.6.2022).

Một quan chức của khu liên hợp cho biết, như vậy hiện tại khu liên hợp có 2 khoản nợ lên đến hơn 895 tỉ đồng (gồm 855 tỉ nợ đến hết tháng 7, 23,2 tỉ khoản nợ của tháng 8 và 9 cùng khoản nợ 17 tỉ liên quan mặt bằng cho Công ty Hải Yến thuê) và số nợ sẽ còn phát sinh nhiều hơn vì khu liên hợp không có khả năng trả nợ. Trong 2 khoản này, một khoản đã bị cưỡng chế thuế và khoản còn lại có thể cũng chịu tình trạng tương tự. Thật bất an bởi cuối năm nay, tuyển VN sẽ thi đấu một số lượt trận AFF Cup trên sân nhà. Nếu trong trường hợp khu liên hợp bị cưỡng chế hóa đơn 2 lần do nợ xấu lớn 2 khoản thì Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) có nguy cơ không thể ký hợp đồng thuê sân Mỹ Đình cho tuyển VN. Và chưa chắc cơ quan thuế đã cho phép khu liên hợp xuất hóa đơn lẻ theo quy định tại Nghị định 126/2020. Có thể, lãnh đạo ngành thể thao phải sớm làm việc với các cơ quan thuế về vấn đề được khán giả đặc biệt quan tâm này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.