Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình ra tòa lần hai, rơi vào cảnh 'quýt làm cam chịu'

17/07/2023 19:23 GMT+7

Vụ án dân sự liên quan đến Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình và Công ty Hải Yến chưa thể ngã ngũ trong phiên tòa chiều 17.7 ở TAND Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội).

'Quýt làm, cam chịu' 

Chiều 17.7, vụ án dân sự liên quan đến Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình được xét xử tại TAND Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội), với bị đơn là Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) và nguyên đơn là Công ty Hải Yến. Công ty này kiện khu liên hợp vì cho rằng khu liên hợp đã vi phạm hợp đồng được ký kết vào năm 2011. Xin được nói rõ hơn, đây là thời điểm mà ông Cấn Văn Nghĩa đang giữ chức giám đốc khu liên hợp (ông này đã về hưu năm 2018). Sau đó Thanh tra Chính phủ trong văn bản thanh tra về quản lý tài sản công tại khu liên hợp kết luận, khu liên hợp thời kỳ ông Nghĩa làm giám đốc có nhiều hoạt động không đúng quy định của nhà nước.

Theo hợp đồng có thời hạn 10 năm (từ tháng 12.2011 - 12.2021), Công ty Hải Yến thuê mặt bằng để kinh doanh. Năm 2019, khu liên hợp đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, lấy lại mặt bằng để phục vụ xây dựng đường đua xe Công thức 1 (giải sau đó bị hủy bỏ chặng tại Việt Nam). Trong nội dung đơn kiện, công ty này nêu khu liên hợp đã không đàm phán, không trao đổi trực tiếp cũng như thông báo bằng văn bản mà đã cắt điện, cắt nước tại nhà hàng do công ty làm chủ. 

Bê bối nghiêm trọng ở sân Mỹ Đình: Nợ thuế ngàn tỉ, cơ sở xuống cấp

Cụ thể, khu liên hợp cắt điện một phần (1 trong số 3 công tơ trên diện tích 2.700 m2 đất mà Công ty Hải Yến thuê) vào ngày 25.10.2017, sau đó hai bên làm việc, thỏa thuận và khu liên hợp mở lại đường điện vào ngày 15.1.2018. Dù vậy, đến cuối năm 2019, khu liên hợp cắt điện hoàn toàn trên diện tích đất mà Công ty Hải Yến đã thuê.

Hoãn phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Khu liên hợp Mỹ Đình - Ảnh 1.

Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vướng vào nhiều lùm xùm

TRUNG NINH

Công ty này đã kiện khu liên hợp yêu cầu đền bù 20 tỉ đồng, vì sau khi bị cắt điện nước, nhà hàng không có khách, dẫn đến việc bị thất thu nặng lên đến 30 tỉ đồng.

Không ký hợp đồng cũng như không "ra lệnh" cắt điện nước tại nhà hàng của Công ty Hải Yến nhưng vì là giám đốc đương nhiệm nên ông Nguyễn Trọng Hổ (ông Hổ giữ chức vụ này từ năm 2020) trở thành đại diện của bị đơn, phải ra hầu tòa. 

Phần lớn các sai phạm của khu liên hợp xảy ra dưới thời ông Cấn Văn Nghĩa còn đương chức. Theo kết luận thanh tra số 106/KL-TTCP ngày 11.5.2021 thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại khu liên hợp của Thanh tra Chính phủ, khu liên hợp đã tự ý cho thuê mặt bằng, không đấu giá và công khai mức giá; chưa thực hiện kê khai, nộp tiền thuê đất của các hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn và dài hạn. 

Trong nhiều năm liền, khu liên hợp không chỉ cho thuê đất khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính mà còn có dấu hiệu làm sai nguyên tắc trong sử dụng tài chính công, tài sản công. Đặc biệt, khu liên hợp đã cho thuê đất với giá rất rẻ, quá chênh lệch với giá thị trường mà không tham khảo ý kiến Bộ Tài chính nên đã làm thất thoát cả trăm tỉ đồng của nhà nước. Được phép thực hiện thí điểm hợp tác liên doanh, liên kết khai thác cơ sở vật chất, khu liên hợp đã nộp thuế nhưng chưa thực hiện kê khai, nộp tiền thuê đất của các hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn theo quy định của Chính phủ. 

Khu liên hợp Mỹ Đình hiện đang gặp nhiều khó khăn. Với những quyết định có dấu hiệu sai phạm, lãnh đạo Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình thời kỳ từ năm 2009 - 2018 không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về khoản nợ thuế đất mà còn có nhiều khoản chi không đúng quy định, làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khiến thất thu ngân sách nhà nước.

Lãnh đạo hiện tại của khu liên hợp đang giải quyết những vấn đề tồn đọng từ ban lãnh đạo cũ. 

Nguyên đơn kiện bổ sung, đòi bồi thường thêm 23,5 tỉ đồng 

Tại phiên xét xử đầu tiên vào tháng 10.2022, ông Hổ không chấp nhận nội dung đơn kiện của Công ty Hải Yến. Phía bị đơn đề nghị nguyên đơn phải có hồ sơ, sổ sách để chứng minh được những lần bị cắt điện nước. Sau khi nghe ý kiến của nguyên đơn và bị đơn, tòa tạm dừng buổi xét xử và yêu cầu các bên cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ liên quan.

Còn tại phiên xét xử chiều nay (17.7), Công ty Hải Yến đã cung cấp một số tài liệu chứng minh thiệt hại, đồng thời bên cạnh số tiền 20 tỉ đồng yêu cầu khu liên hợp phải đền bù do cắt điện khiến kinh doanh thất thu, Công ty Hải Yến còn yêu cầu đền bù bổ sung số tiền 23,5 tỉ đồng. Đây là tiền lợi ích phát sinh mà công ty cho rằng đáng ra sẽ thu được nếu khu liên hợp không cắt điện. 

Trong khi đó, khu liên hợp khẳng định đã có văn bản thông báo với Công ty Hải Yến trước khi cắt điện. Lý do cắt điện và sau đó là chấm dứt hợp đồng mà khu liên hợp đưa ra là phía Công ty Hải Yến chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, còn nợ tiền thuế đất và tiền lợi nhuận kinh doanh. Lãnh đạo khu liên hợp khẳng định khoản tiền bồi thường mà Công ty Hải Yến yêu cầu là không hợp lý, do đó sẽ đấu tranh đến cùng. 

Hoãn phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Khu liên hợp Mỹ Đình - Ảnh 2.

Sân Mỹ Đình được cải tạo sau khoảng thời gian dài xuống cấp

MINH TÚ

Một vấn đề nữa hai bên tranh luận trong phiên xét xử là khu liên hợp cho rằng Công ty Hải Yến đã vi phạm hợp đồng, khi cho bên thứ ba khai thác kinh doanh trên diện tích đất mà khu liên hợp này đã ký hợp đồng thuê với khu liên hợp. 

Cụ thể, Công ty Hải Yến cho thuê 1.000 m2 đất trong khuôn viên khu liên hợp với mức giá 900 triệu đồng/tháng với hợp đồng 6 năm (từ năm 2015 đến năm 2021, sau đó đàm phán giảm xuống 500 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên do khu liên hợp cắt điện nước ảnh hưởng đến kinh doanh của bên thứ ba nên phía công ty phải bồi thường thiệt hại. Khu liên hợp cho rằng Công ty Hải Yến đã sai khi cho bên thứ ba kinh doanh, đồng thời cho rằng không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm đối với số tiền mà Công ty Hải Yến đã bồi thường cho đối tác.

Theo Hội đồng xét xử TAND Q.Nam Từ Liêm, vụ án còn thiếu nhiều chứng cứ, tài liệu liên quan để làm rõ sai phạm. Công ty Hải Yến được yêu cầu bổ sung giấy và đưa ra con số ước lượng về thiệt hại phải chịu khi khu liên hợp cắt điện, còn khu liên hợp cần bằng chứng pháp lý về việc Công ty Hải Yến nợ thuế đất. Hai bên có 10 ngày để nộp các tài liệu liên quan, trước khi phiên tòa xét xử vào lần kế tiếp.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.