Khu Nam TP.HCM hết cơ chế 'một cửa', doanh nghiệp chạy lòng vòng

21/04/2022 10:17 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Khu Nam TP.HCM mất nhiều thời gian, tiền bạc để hoàn tất bồi thường cho người dân nhưng mất 3 năm vẫn chưa được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chấm dứt hoạt động của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Khu đô thị mới Nam TP.HCM (gọi tắt là Ban Quản lý Khu Nam) theo Quyết định số 751/TTg ngày 11.9.1997 hoạt động theo mô hình cơ quan hành chính.

Đồng thời, đề xuất Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP.HCM thành lập Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị Nam TP.HCM trên cơ sở sắp xếp Ban Quản lý Khu Nam theo thẩm quyền.

Thống nhất đầu mối

Khu đô thị mới Nam thành phố được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung hồi cuối năm 1994, gồm 22 khu chức năng với tổng diện tích 2.965 ha thuộc Q.7, Q.8 và H.Bình Chánh. Khu đô thị mới lấy đường Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km làm "xương sống", kết nối Khu chế xuất Tân Thuận ra Quốc lộ 1 hướng về đồng bằng sông Cửu Long.

Các phân khu chức năng dọc hai bên đường được quy hoạch trên tổng thể của một đô thị hiện đại, hỗn hợp đa chức năng gồm: trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, khoa học, giáo dục, y tế, giải trí… với quy mô dân số khoảng 500.000 người.

Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh thuộc quy hoạch khu đô thị mới Nam TP.HCM

Ngọc Dương

Đến tháng 9.1997, Thủ tướng ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý Khu Nam là một cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP.HCM, có nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch chi tiết, quản lý đầu tư và xây dựng, giám sát việc khai thác các công trình hạ tầng, thu hút vốn đầu tư, thẩm định giấy phép đầu tư các dự án, tổ chức giải phóng mặt bằng…

Qua gần 25 năm hoạt động theo cơ chế “một cửa”, Ban Quản lý Khu Nam đã giúp thành phố thống nhất một đầu mối giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng cho doanh nghiệp nhanh gọn, thuận tiện, hiệu quả, cũng như kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.

Cơ chế này giúp các dự án được triển khai nhanh, đảm bảo kết nối hạ tầng, phù hợp quy hoạch, góp phần rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng phát triển hoàn chỉnh các khu đô thị mới.

Điển hình là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và các công trình kiến trúc phủ kín trên 70% được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu của cả nước. Bên cạnh đó, một số khu vực khác đã hình thành đồng bộ theo quy hoạch được duyệt như khu dân cư ven sông, khu dân cư Trung Sơn, khu Him Lam 6A, khu dân cư Sông Ông Lớn, khu dân cư Intresco - 6B, khu trung tâm thương mại Bình Điền.

Nhiều trường đại học thuộc khu chức năng số 3 được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng theo phân kỳ đầu tư như Đại học RMIT, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Cảnh sát nhân dân. Ngoài ra, còn có 5 khu tái định cư đã hình thành phục vụ nhu cầu tái định cư.

Theo thống kê của Ban Quản lý Khu Nam TP.HCM, hiện 85% diện tích quy hoạch đã có chủ đầu tư, diện tích đã bồi thường trên 65%, diện tích xây dựng các công trình đạt gần 50%.

Vì sao giải quyết hồ sơ kéo dài, nhiều dự án bị chậm trễ?

Đầu năm 2013, Nghị định 11/2013 ra đời, quy định các Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị là đơn vị sự nghiệp, không còn chức năng quản lý nhà nước. Do đó, Ban Quản lý Khu Nam TP.HCM không còn chủ động trong giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế ”một cửa” cũng như không thể chủ động phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện khi giải quyết các vấn đề phát sinh.

Các kiến nghị của chủ đầu tư, hồ sơ bị giải quyết chậm trễ, kéo dài do phải chờ ý kiến của các sở, ngành. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới.

TP.HCM đề xuất thành lập Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị Nam TP.HCM trên cơ sở sắp xếp Ban Quản lý Khu Nam

ngọc dương

Ông Phạm Văn Toàn, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Nam TP.HCM dẫn chứng, khi giải quyết thủ tục, các sở, ngành không nắm đủ hồ sơ nên phải gửi văn bản hỏi ý kiến lẫn nhau, có đơn vị 1 - 2 tháng sau mới trả lời. Nhiều doanh nghiệp mất nhiều thời gian, tiền bạc để hoàn thành bồi thường cho người dân nhưng 3 năm chưa được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Một số dự án lớn đang gặp vướng mắc có thể kể đến như khu dân cư tại khu 9A + B rộng hơn 5,6 ha của Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, khu dân cư 6B của Công ty CP đầu tư và kinh doanh nhà (Intresco)…

Hơn 24 năm làm việc tại Ban Quản lý Khu Nam, chứng kiến sự hình thành và phát triển của một khu đô thị sôi động nhưng ông Toàn cho biết chưa hình dung được khi chuyển thành đơn vị sự nghiệp thì sẽ quản lý như thế nào, bởi các thủ tục hành chính thì chủ đầu tư liên hệ sở, ngành.

Theo ông Toàn, sự khác biệt của khu đô thị mới là tập hợp nhiều khu chức năng, nhiều dự án liên quan đến nhiều ngành khác nhau nên nếu không có một đầu mối quản lý thì đến khi hoàn thành, có thể phát sinh tình huống các dự án lại không ráp lại với nhau được.

“Như khu đô thị cảng Hiệp Phước rộng hơn 1.300 ha, ban đầu giao cho Ban Quản lý Khu Nam, sau này giao về cho địa phương tổ chức lập quy hoạch nhưng mấy năm nay không xong, dự án đứng hình 5 năm không nhúc nhích”, ông Toàn dẫn chứng.

Là địa phương có diện tích đất thuộc quy hoạch khu đô thị mới Nam thành phố, lãnh đạo H.Bình Chánh cho biết sự chồng chéo trong quản lý đầu tư, xây dựng khiến nguồn lực đất đai của địa phương chưa được khai thác hiệu quả. H.Bình Chánh đang tập hợp những khó khăn, bất cập về quản lý đô thị để trình thành phố xem xét, tháo gỡ.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Chánh cuối năm 2021, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần xem lại vai trò, sứ mệnh và cần duy trì hoạt động của Ban Quản lý Khu Nam nữa hay không, tránh tình trạng một miếng đất mà nhiều người quản lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.